Nên hỗ trợ cái doanh nghiệp cần, thay vì cái Nhà nước có

ANTD.VN - "Vai trò và đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất lớn song đối tượng này đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu chúng ta không nhìn nhận đúng đắn và có cơ chế thì họ rất khó có điều kiện vươn lên", đó là trăn trở của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên giải trình trước Quốc hội về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sáng 22-11.

Tiêu chí nào xác định doanh nghiệp là vừa hay nhỏ?

Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị sửa tên thành Luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vì trong tên luật hiện nay từ “hỗ trợ” mới chỉ ra biện pháp, cách thức là yếu tố cần nhưng chưa đủ, chưa phản ánh được tầm ý nghĩa chiến lược vì mục tiêu phát triển vững chắc của khu vực doanh nghiệp được coi là xương sống nền kinh tế. 

Băn khoăn về việc xếp loại doanh nghiệp, ĐB Trần Thị Hiền dẫn chứng: “Thực tế có nhiều trường hợp tổng nguồn vốn lớn hơn 20 tỷ đồng nhưng số lao động không đạt tới 200 người thì xếp loại doanh nghiệp nhỏ hay vừa? Điều này rất cần minh bạch vì liên quan tới chính sách thuế và tư cách tham gia dự thầu của doanh nghiệp”.

Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cho rằng việc xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa chủ yếu vào tiêu chí doanh thu, sau đó mới tính đến tiêu chí lao động và cá biệt một số nước, sau tiêu chí lao động mới đến tiêu chí vốn. “Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp thương mại ở Việt Nam để khi xem xét cho vay phân loại doanh nghiệp là nhỏ hay siêu nhỏ”, ĐB Nguyễn Văn Thắng dẫn chứng.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất đổi tên dự thảo luật vì trong đó đã nêu rõ là “góp phần hỗ trợ toàn diện doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển”, đồng thời luật là phát triển toàn diện, không nên nhầm lẫn với việc phát triển về số lượng. 

ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị bổ sung vào chính sách thuế có tính chất khuyến khích cho các hoạt động khởi nghiệp

Khắc phục tình trạng doanh nghiệp vừa khai sinh đã khai tử

Góp ý xây dựng luật, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị bổ sung vào chính sách thuế có tính chất khuyến khích cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Nên chăng miễn thuế 2 năm đầu và giảm 50% hai năm kế tiếp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển vững chắc”, ĐB Nguyễn Bá Sơn nói. Đồng quan điểm này, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị nghiên cứu lựa chọn và tập trung ưu tiên hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp có tiềm năng, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Trước băn khoăn của một số đại biểu về việc không đủ ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nêu quan điểm: “Không phải Nhà nước đưa tiền các doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh mà là tạo cơ chế để doanh nghiệp tham gia”. 

Bàn thêm về vấn đề này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay không cần hỗ trợ nhiều về vốn mà cơ bản về vấn đề thủ tục, Nhà nước phải tạo niềm tin để đầu tư, thu hút dòng vốn xã hội. “Còn nếu cứ để doanh nghiệp khó khăn, không tiếp cận được dự án, chính sách thì chúng ta không thể hỗ trợ được cho nhóm đối tượng doanh nghiệp này”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh. Còn ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là hỗ trợ doanh nghiệp không ngừng phát triển chứ không chỉ dừng ở mục tiêu hỗ trợ để doanh nghiệp ổn định. 

Nêu thực tế có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa mới khai sinh nhưng không lâu sau đã phải khai tử, ĐB Lê Văn Sỹ (Thanh Hóa) cho rằng luật cần đưa ra các quy định cụ thể nhằm gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp này, đặc biệt những người đứng đầu và phải rất minh bạch về vấn đề hạch toán, đồng nhất báo cáo tài chính… “Điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng lợi dụng cơ chế chính sách hỗ trợ, vay vốn hỗ trợ lãi suất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ĐB Lê Văn Sỹ nói. 

Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, ĐB Lê Văn Sỹ cho rằng đây là nội dung rất quan trọng, thiết thực với các doanh nghiệp, song nội dung luật đang có sự lệch hướng và chưa rõ ràng. “Ban soạn thảo cần cân nhắc cụ thể nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất kinh doanh là gì và phải cụ thể hóa. Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù với doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp thu hút nhiều lao động là nữ”, ĐB Lê Văn Sỹ đề nghị.

Hỗ trợ cái doanh nghiệp cần, thay vì cái Nhà nước có

Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là luật hết sức quan trọng, phức tạp bởi đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm 97% trong tổng số hơn 610.000 doanh nghiệp tại Việt Nam và thực trạng đang hết sức khó khăn trong việc tiếp cận về mặt bằng, nguồn vốn, công nghệ, thị trường, đào tạo nhân lực… 

“Hầu hết các nước và ngay cả tại khu vực Đông Nam Á là Lào đều có luật riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn ở Việt Nam, tất cả văn bản pháp luật hiện nay đều nói đến doanh nghiệp nói chung mà không có một cái riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời các cơ chế chính sách đều rời rạc, không có tính khả thi nên không đi vào cuộc sống. Vì vậy việc luật hóa những chủ trương, chính sách cho đối tượng doanh nghiệp này là rất cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình

Theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên tắc hỗ trợ là không vi phạm nguyên tắc thị trường, không vi phạm các cam kết quốc tế và phù hợp với khả năng ngân sách trong từng thời kỳ. Hỗ trợ không phải hỗ trợ cái Nhà nước muốn, cái Nhà nước có mà là hỗ trợ cái doanh nghiệp cần, đồng thời hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp. “Càng nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công thì càng có lợi cho sự phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp vừa hay nhỏ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết ban soạn thảo đã phân tích, cân nhắc rất nhiều nên theo doanh thu hay nên theo vốn hay theo lao động. Doanh thu thay đổi thường xuyên nhưng vốn và lao động rất khó thay đổi. Quốc tế cũng sử dụng hai tiêu chí vốn và lao động để xác định.  

“Vai trò và đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất lớn song đối tượng này đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu chúng ta không nhìn nhận đúng đắn và có cơ chế thì họ rất khó có điều kiện vươn lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trăn trở. 

Dự kiến sau khi tổng hợp các ý kiến đại biểu, dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trình ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ ba.