Nền đất không có lỗi?

ANTĐ - Mới đây, hơn 70.000 hộ dân ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Thanh Trì, Từ Liêm lại khốn khổ vì mất nước sạch sinh hoạt do đường ống cấp nước từ Nhà máy nước sạch sông Đà về Hà Nội lại… bị vỡ. Đây là lần thứ 3 trong năm nay trong tổng cộng 4 lần đường ống cấp nước sông Đà bị vỡ khiến người dân lo lắng trước nguy cơ mất nước sạch dịp Tết.

Điều đáng nói là cả 4 lần sự cố xảy ra, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư xây dựng kinh doanh nước sạch (Viwaco) đều có cách giải thích y trang về nguyên nhân làm ống vỡ là do ống nước làm bằng chất liệu composite đi qua khu vực nền đất yếu, cộng với việc gần đường cao tốc nên đường ống bị rung và dịch chuyển gây vỡ ống (thực tế đường ống nằm cách đường khoảng 12 m khó bị ảnh hưởng do sự chấn động của lượng xe qua lại nhiều). Cách giải thích này thật khó chấp nhận. Việc dùng ống cấp nước chính có đường kính 1,6m để dẫn nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội bằng chất liệu composite được nhiều chuyên gia xây dựng cho là thiếu tính toán bởi loại ống cốt sợi thủy tinh ở tuyến ống dẫn này là không phù hợp, ống giòn, dễ vỡ. Tại sao loại ống gang chịu lực mà ngành nước hay dùng để làm đường ống phân phối thì không được sử dụng vào dự án - câu hỏi còn đang được bỏ ngỏ. 

Lại nói theo nguyên tắc phải có đường ống dự phòng để bảo đảm an ninh nguồn nước cho Thủ đô. Khi triển khai thi công đường ống cấp nước từ Nhà máy nước sạch sông Đà về Hà Nội, rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo nếu chỉ xây dựng một đường ống cấp nước duy nhất về Hà Nội là điều khó tránh nguy cơ mất nước sạch cho Hà Nội. Thực tế đã cho thấy lời cảnh tỉnh này là xác đáng bởi qua 6 năm kể từ khi Nhà máy nước sạch sông Đà đi vào hoạt động, đường ống dẫn nước duy nhất này đã bị vỡ tới 4 lần. Mỗi lần xảy ra sự cố vỡ ống, hàng vạn hộ dân trên địa bàn Hà Nội lại thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, cuộc sống bị đảo lộn. 

Để giải thích cho sự yếu kém này mỗi khi xảy ra sự cố vỡ ống, chủ đầu tư lại đưa ra nguyên nhân dễ đổ lỗi nhất… là nền đất yếu. Dư luận thì cho rằng, nền đất yếu là điều phải được đặt ra trước khi xây dựng công trình. Vì lý do gì đi chăng nữa thì đây cũng là lỗi do chủ quan con người gây ra. Nền đất không có trách nhiệm gì cả. Nền yếu thì phải có phương án gia cố cho đủ tải trọng của ống và đất phía trên và phải làm trụ đỡ chắc chắn. Đầu tư tới hơn 1.500 tỷ đồng, nhưng chỉ đưa vào khai thác sử dụng chưa đầy 5 năm, hệ thống ống dẫn nước đã bị vỡ đến 4 lần. Kinh phí cho mỗi lần sửa chữa gia cố đường ống lên tới hơn 1 tỷ đồng. Đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại không đáng có này? 

Để hàng vạn hộ dân không còn rơi vào cảnh lao đao vì thiếu nước sinh hoạt đồng thời bảo đảm an ninh nguồn nước thì việc triển khai xây dựng tuyến ống thứ 2 của Nhà máy nước sông Đà đang trở nên thực sự cấp bách. 

Trước mắt vẫn là cảnh “vỡ đâu vá đấy” do bài toán xử lý “nền đất yếu” chưa được khắc phục. Cư dân Thủ đô lo lắng nếu lần vỡ ống thứ 5, 6… vào đúng dịp Tết đến Xuân về thì viễn cảnh Hà Nội mất nước trong dịp Tết là hiện hữu! Hy vọng từ nay đến Tết nền đất không yếu nữa.

Tin cùng chuyên mục