Nên có bộ sách chính thống

ANTĐ - Đó là ý kiến của nhiều giáo viên trên địa bàn Hà Nội sau 2 năm Sở GD-ĐT đưa bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh”  vào giảng dạy đại trà cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 11.

Việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh thực sự phát huy hiệu quả đối với học sinh

Học sinh thay đổi hành vi 

Từ năm 2010, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường trên địa bàn thành phố đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh ở 3 cấp với thời lượng dành cho lớp 1 đến lớp 6 là 8 tiết/lớp/năm học và lớp 7 đến lớp 11 là 6 tiết/lớp/năm học. 

Bộ tài liệu gồm 5 nội dung: Khái niệm về thanh lịch - văn minh; Phong cách thanh lịch - văn minh của người Hà Nội; Giao tiếp thanh lịch, văn minh giữa người với người; Ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng; Ứng xử thanh lịch, văn minh với thiên nhiên, môi trường.

Tùy theo lứa tuổi và đối tượng học, nội dung giáo dục thanh lịch văn minh sẽ được giảng dạy khác nhau cho phù hợp. Sau hai năm thực hiện, chương trình nhận được sự đồng tình của giáo viên, ủng hộ của gia đình, sự thích thú của học sinh.

Là một trong những người trực tiếp biên soạn bộ tài liệu, cô Đinh Thị Phương Anh (giáo viên trường THCS Lê Ngọc Hân, Hai Bà Trưng) cho biết: “Năm 2011, chúng tôi tiến hành dạy thí điểm ở 18 trường, kết quả thu về rất tốt và học kỳ II năm học 2010-2011, chúng tôi triển khai dạy đại trà cho học sinh Hà Nội”.

“Bộ sách hướng các em vào giá trị truyền thống nhưng cũng mang hơi thở của thời đại, sát thực tế, hết sức gần gũi với đời sống hàng ngày. Ở trường tôi, việc dạy có tác dụng tích cực như tình trạng học sinh nói tục, chửi bậy giảm bớt, không có mâu thuẫn đánh nhau… Bộ sách còn giúp tăng tính chuẩn mực để các em điều chỉnh hành vi như biết cách cầm đũa, mời cơm như thế nào, biết sắp xếp góc học tập, nhà cửa, mặc trang phục như thế nào là đẹp, phù hợp; cư xử như thế nào là thanh lịch, văn minh…”, cô Phương Anh nêu rõ.

Ngoài ra, học sinh học được cách giao tiếp bằng những tình huống thực tế. Qua những hình ảnh, câu chuyện sinh động giúp học sinh hiểu thêm nét đẹp văn hóa của Hà Nội, Việt Nam để nâng cao tinh thần bảo vệ di tích, thắng cảnh…

Khá thích thú với tiết học này, em Vũ Phương Thảo (lớp 5A, trường Tiểu học Bạch Mai) nói: “Bộ sách rất hay, bổ ích và có nhiều điều hay. Cháu học được cách ứng xử với người lớn tuổi, biết giúp đỡ bố mẹ công việc nhà… Cháu thích nhất câu chuyện kể về người chị nhường nhịn, chăm sóc em. Đó là bài học về tình yêu thương trong gia đình”.

Nhiều giáo viên bỡ ngỡ

Chia sẻ về khó khăn khi giảng dạy môn học này, cô Phương Anh cho biết, vì đây là bộ sách mới, chưa trở thành chuyên đề chính thống của Bộ GD-ĐT nên nhiều giáo viên bỡ ngỡ hoặc chưa thực sự tâm huyết đầu tư giảng dạy nên một số trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn. 

“Hơn nữa, nhiều giáo viên đã có tuổi nên dạy một cách máy móc, nặng nề về mặt lý thuyết, vẫn còn lúng túng chưa dạy sát nên tiết học biến thành môn giáo dục công dân đơn thuần, gây nhàm chán cho học sinh”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà (giáo viên trường THCS Minh Khai) phản ánh. Thêm vào đó, số lượng tài liệu còn ít (20 cuốn/lớp) nên giáo viên khó khăn trong việc giảng dạy. Vì đây là bộ tài liệu giúp ích cho học sinh nên đa phần thầy cô giáo đều mong muốn Bộ GD-ĐT không chỉ triển khai ở địa bàn thành phố mà còn nhân rộng ra đối với học sinh cả nước. 

“Tôi mong rằng Bộ GD-ĐT biên soạn lại hoàn chỉnh, áp dụng trở thành một bộ sách chính thống. Như vậy, giáo viên sẽ giảng dạy chất lượng hơn”, cô Phương Anh bày tỏ mong muốn.

Có thể thấy, việc đưa đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” đã mang lại nhiều kết quả tốt cho học sinh. Đó cũng là một trong những phương pháp hạn chế hiện tượng nói tục, chửi bậy, đánh nhau của học sinh hiện nay.