Nên chấp nhận thất thu

ANTĐ - Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt thực hiện giải quyết hàng tồn kho, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, tiếp tục bình ổn giá, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, đồng thời tập trung nỗ lực với những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể và thiết thực đẩy mạnh sản xuất trong khu vực doanh nghiệp. Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 20% thay vì 23% như tờ trình.

Trong tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định thuế suất áp dụng chung 25%, là mức trung bình so với các nước khu vực, trong khi một số nước có xu hướng giảm dần mức thuế suất để tăng tính cạnh tranh. Để thực hiện chiến lược cải cách thuế đồng thời phù hợp với xu thế cải cách thuế của các nước, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn yếu cả tiềm lực, tài chính và khả năng cạnh tranh ngay cả với doanh nghiệp trong nước chứ chưa nói tới doanh nghiệp nước ngoài sẽ được ưu đãi với mức thuế suất 20%.

Theo chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, hầu hết ý kiến trong thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành chủ trương giảm thuế cho giới doanh nghiệp như trong tờ trình của Chính phủ. Theo đó, giai đoạn 2014-2015 mức thuế suất áp dụng là 23%, riêng với doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ còn 20%. Tiến tới giai đoạn 2016-2020 sẽ áp dụng thống nhất một mức thuế suất 20%. Còn đối với những địa bàn đặc biệt, khó khăn cần phải được ưu đãi cao hơn thế, có thể chỉ nên quy định mức thuế suất 15%.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội vẫn đề nghị Chính phủ nên cân nhắc, tính toán, giảm ngay mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp xuống 20% chứ không đợi đến năm 2016-2020. Như vậy, theo tờ trình của Chính phủ, thuế thu nhập doanh nghiệp phải qua hai bậc thang kéo dài tới 7 năm mới có thể tụt từ nấc 25% xuống còn 20%.

Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội được nhiều đại biểu đồng tình, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, hàng chục nghìn doanh nghiệp ngưng sản xuất, giải thể và phá sản, kéo theo đội quân thất nghiệp hàng chục nghìn người lao động ngày càng dài. Đương nhiên, khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mối lo ngại hàng đầu là sụt giảm ngân sách Nhà nước. Theo phân tích của Bộ Tài chính, tác động việc kéo thuế suất từ 25% xuống còn 23% thì ngân sách Nhà nước năm 2014 dự kiến sẽ “mất đứt” 12.064 tỷ đồng. Nếu áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự kiến thu ngân sách sẽ mất thêm 2.000 tỷ đồng nữa. Còn nếu giảm ngay xuống 20% thì ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu 30.000 tỷ đồng/năm, đó là chưa kể việc giảm ngân sách do thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân khoảng 13.000 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính là cơ quan “nắm tay hòm chìa khóa” ngân sách Nhà nước, tất nhiên luôn lo lắng nguy cơ sụt giảm nguồn thu ngân sách. Song, việc giảm thu từ thuế thu nhập cá nhân chính là khoan thư sức dân; việc giảm thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chính là “dưỡng sức” doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không “khỏe mạnh” thì lấy đâu ra sức để sản xuất và lấy đâu ra nguồn ngân sách? Vì thế, nên chấp nhận thất thu trước mắt để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.