Nên bỏ thói quen tích trữ

ANTĐ - Gần Tết Nguyên đán, tình trạng tiểu thương lợi dụng “đẩy” giá đã xuất hiện. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được chị Nguyễn Xuân Thảo, trú tại Nhổn, Từ Liêm chia sẻ:

- Một phần vì dịp cuối năm, tốc độ tiêu thụ hàng hóa lớn, nên các tiểu thương lợi dụng tăng giá. Một phần cũng vì tâm lý mua sắm Tết kiểu dự trữ lâu ngày của nhiều bà nội trợ, tạo tình trạng khan hàng, tư thương dựa vào đây để đẩy giá lên.

-  Thực chất là hàng hóa dịp Tết không thiếu?

- Với các mặt hàng tiêu dùng như bánh kẹo, dầu ăn, nước mắm… các công ty sản xuất đều lên kế hoạch cung ứng Tết từ rất lâu. Vì vậy đã hạn chế tối đa tình trạng “cháy” hàng.

- Thực phẩm, rau củ ngày Tết rất dễ bị làm giá?

- Đây là những mặt hàng dễ bị “té nước theo mưa” những ngày cuối năm và đầu năm. Những mặt hàng này dù cũng có sự tính toán từ phía người chăn nuôi, người trồng nhưng lại phụ thuộc lớn vào dịch bệnh, vào thời tiết. 

- Chị có thói quen tích trữ các mặt hàng này ngày Tết?

- Những năm trước, một phần theo thói quen, phần theo tâm lý, tôi cũng luôn tích trữ thực phẩm, rau củ cho 5-7 ngày Tết. Như vậy, suốt những ngày Tết toàn phải dùng thực phẩm đông lạnh, rau củ thì không còn tươi.

- Không lẽ giờ đã thay đổi?

- Vài năm gần đây, tôi áp dụng ngay trong gia đình và vận động anh chị em, chỉ nên mua thực phẩm, rau củ quả đủ tiêu dùng trong vài ngày Tết. Vì, từ mùng 2 Tết, chợ đã họp, rau củ quả dồi dào, tươi ngon, thực phẩm tươi sống cũng đầy đủ, từ thịt lợn, gia cầm đến thủy hải sản.