Nên bảo lãnh trường đại học thay vì giải cứu ngân hàng

ANTĐ - Theo Andreas Schleicher, nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục quốc tế của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển quốc tế (OECD), các nền kinh tế phương Tây đang đứng trước ngã ba đường. Đã đến lúc phải tập trung nâng cao kỹ năng hoặc tinh gọn lại. “Bạn có 2 lựa chọn. Một là bạn có thể bước vào cuộc đua xuống đáy giống như Trung Quốc, nghĩa là giảm lương đối với những công việc có kỹ năng thấp. Hai là bạn có thể cố giành chiến thắng trong cuộc đua đổi mới và cạnh tranh. Trong dài hạn, nếu bạn không có các nguồn lực tự nhiên để bán, thì các kỹ năng là con đường duy nhất để cạnh tranh”.

“Các kỹ năng sinh tồn”

Cựu phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới đồng thời là Phó giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Nemat Shafik cho biết các chính phủ cần suy nghĩ thoáng hơn về việc khai thác giáo dục phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế. Bà đặc biệt quan tâm đến tỉ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên, và tỉ lệ này cao nhất ở các khu vực Nam Âu, Bắc Phi và Trung Đông. 

“Đây là hiện tượng đáng lo ngại nhất. Vấn đề ở đây không chỉ là tiềm năng bị lãng phí và khiến các bạn trẻ nản lòng, mà hiện tượng này còn rất nguy hiểm trên khía cạnh chính trị và xã hội. Chúng ta biết rằng tỉ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên sẽ khiến chi phí tài khóa của các quốc gia tăng cao, hậu quả là tỉ lệ phạm tội, tỉ lệ tử vong, tỉ lệ tự tử và tỉ lệ mất cân bằng xã hội cao hơn”.

Theo bà, ngay cả với quan điểm phục hồi lạc quan nhất thì cũng phải mất hàng năm để giải quyết vấn đề thất nghiệp. “Điều này khiến chúng ta nghĩ tới vai trò của giáo dục. Có vẻ như trong một số suy nghĩ sáng tạo về tương lai của giáo dục đã bắt đầu hé lộ cách giải quyết vấn đề này”

Theo quan điểm của bà thì vai trò của các trường đại học không chỉ là đào tạo ra những con người có bằng cấp, mà còn phải trang bị cho họ các “kỹ năng sinh tồn” trong một thị trường việc làm không thể đoán biết trước. Một lý do cũng không kém phần quan trọng đó là mối quan hệ giữa giáo dục và thị trường lao động có thể sẽ trở nên vô cùng phức tạp.

Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, một người có tấm bằng đại học sẽ ít có khả năng bị rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhưng ở Bắc Phi thì ngược lại, những người tốt nghiệp đại học lại có khả năng thất nghiệp cao hơn những người không tốt nghiệp, bởi vì các cơ hội việc làm không dành cho họ. Trong khi đó ở khu vực Châu Phi tiểu Sahara, vấn đề còn phức tạp hơn, việc thiếu cơ hội tiếp cận với giáo dục cơ bản đã tạo nên rào cản đối với cơ hội việc làm.

Chu kỳ suy thoái

Bà Shafik cũng mong muốn hệ thống giáo dục phải đóng vai trò bảo vệ để chuẩn bị cho những thay đổi lớn hơn trên phương diện kinh tế và xã hội.

 “Các trường đại học sẽ phải trở thành nơi để mọi người có thể tham gia học tập tại bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời họ. Ý tưởng họ sẽ chỉ được đào tạo trong 3 hoặc 4 năm sẽ không còn thực tế nữa”

Nhưng trong quá trình suy thoái, xu hướng có thể thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Chính tại thời điểm mà cần đến các cơ hội giáo dục thì các trường lại phải chịu áp lực giảm học phí. Đó là một dạng bẫy tiền mặt.

Ở Anh, việc tăng học phí đã khiến số lượng sinh viên đại học bán thời gian giảm đáng kể, xuống còn 40% trong vòng 2 năm. Và đây chính là những người muốn được đào tạo lại.

Các ngành công nghiệp số

Có một cách khác để xem giáo dục như một thành phần trong nhóm các yếu tố giúp phục hồi khủng hoảng kinh tế là gắn giáo dục với đổi mới công nghệ.

Các trường đại học đã trở thành “những con ngỗng vàng” cho các ngành công nghiệp số. Google phát triển từ một dự án nghiên cứu Tiến sĩ, còn Facebook được sáng tạo ra cho các sinh viên đại học. Các ngành công nghiệp công nghệ cao tập trung quanh các trường đại học và hiện các quốc gia khác đang cố sao chép mô hình Thung lũng Silicon của nước Mỹ.

Mối liên hệ giữa các trường đại học và quá trình phát triển công nghiệp sẽ còn trở nên quan trọng hơn, theo Andy  Haldane, Giám đốc chuyên trách ổn định tài chính của Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England). Ông đã trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh các Trường đại học toàn cầu (Global University Summit) 2013 do Đại học    Warwick tổ chức rằng các trường đại học tạo môi trường ổn định cần thiết cho đầu tư dài hạn. “Chúng ta sẽ cần những gì để thúc đẩy đầu tư và đổi mới? Đó là sự kiên nhẫn, sẵn sàng chờ đợi để có được sự hài lòng ... sẵn sàng thử nghiệm, sẵn sàng chấp nhận rằng thất bại cũng thường xuyên như thành công vậy”. 

Nhưng các thị trường vốn hiện đại đang tạo ra “sự hài lòng tức thời”. “Các thị trường vốn hiện đại, cũng giống như các đội bóng đá hiện nay, đang chịu đựng sự thử nghiệm và thất bại. Quá trình thử nghiệm này là ngắn hạn và tầm nhìn ngắn hạn như vậy thì không có lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, cũng rất bất lợi với hoạt động đầu tư và cải tiến”.

Ngược lại, theo ông các trường đại học hoạt động trong khoảng thời gian dài hơn, và điều này là cần thiết cho hoạt động nghiên cứu “Họ có đủ khả năng kiên nhẫn”.

Ông Haldane nói rằng “tiền đặt cược” cho nhu cầu đầu tư sẽ rất cao. “Các nhà kinh tế học chỉ biết một điều, đó là: Đầu tư ngày hôm nay chính là tăng trưởng trong tương lai”.