Nếm quả đắng vì sính hàng ngoại giá rẻ

ANTĐ - Vào dịp Noel, lễ Tết cuối năm, nhu cầu mua sắm, tặng quà của người dân tăng cao. Với tâm lý sính ngoại, không ít người đã mua phải những món hàng hiệu rởm khiến người được nhận rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Nếm quả đắng vì sính hàng ngoại giá rẻ ảnh 1Một phần số hàng nghi là hàng lậu, giả bị tạm giữ ngày 23-12

Nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”

Do đang “tăm tia” một cô gái 9X khá xinh đẹp, sành điệu nên trong dịp Noel - Tết Dương lịch năm nay, anh Đỗ Hải Trung (nhân viên ngân hàng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quyết đầu tư mua quà hàng hiệu để chinh phục người đẹp. Biết cô gái thích dùng đồ xịn, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, anh Trung đã quyết định mua chiếc túi hiệu Chanel với giá 3 triệu đồng. Để thuyết phục anh Trung, bên bán hàng giải thích, sở dĩ chiếc túi này có giá rẻ như vậy do là hàng xách tay nhờ người quen mang từ nước ngoài về. Tuy vậy, sau khi mang túi về nhà, anh Trung mới ngã ngửa người khi được cô em họ - vốn là “tín đồ” của Chanel - cho biết, chiếc túi anh mua đích thị là hàng rởm có giá chỉ vài trăm ngàn đồng. “Hàng mua rồi mà không tặng thì quá phí, nhưng tặng mà cô ấy phát hiện ra hàng rởm thì coi như “mất cả chì lẫn chài” - anh Trung lo ngại.

Cũng trong tình trạng tương tự, thời gian qua, một clip với tình huống bi hài được đưa lên mạng đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Clip này có những cảnh quay được thực hiện ngay trên đường phố, trong đó có hình ảnh một cô gái trẻ khi phát hiện chiếc túi được người yêu tặng là hàng rởm đã tức giận và ném thẳng món quà vào bạn trai. Sự việc này sau đó đã có nhiều ý kiến trái chiều. Có người ủng hộ hành động của cô gái và lên án chàng trai giả dối, song cũng có người tỏ ra thông cảm với chàng trai vì cho rằng, anh ta cũng chỉ là nạn nhân của nạn hàng giả, hàng nhái.   

Điều đáng nói là hàng giả không chỉ xuất hiện trong các cửa hàng mà còn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với đủ các nhãn hiệu từ Guess, Chanel, D&G, Gucci đến LV… với giá từ vài trăm đến hàng chục triệu đồng. Hầu hết những người bán hàng đều khẳng định, hàng bán ra đều là hàng xịn, giá thấp hơn do họ lấy được hàng giá… gốc. 

Là người có thâm niên sử dụng hàng hiệu hơn 10 năm nay, chị Vũ Hồng Loan ở phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho biết, điều đầu tiên để phân biệt hàng hiệu với hàng giả là giá cả, sau đó đến hình thức, chất liệu, phụ kiện của sản phẩm. Hàng hiệu không bao giờ có lỗi, từ móc, khóa, logo tới đường may… Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm thường có mã số riêng nên những kẻ bán hàng giả thường chỉ qua mặt được người thiếu hiểu biết, kinh nghiệm.

Thu giữ nhiều tấn hàng hiệu... nghi rởm

Cách đây không lâu, hàng nghìn chiếc quần bò hiệu Lacoste, kính Gucci thời trang và hàng trăm ví da, túi xách gắn mác những thương hiệu lớn… nhưng lại được nhập từ Trung Quốc với giá chỉ vài nghìn đồng đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi đang được vận chuyển tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Sài Đồng (Hà Nội). Theo lời khai của lái xe, số hàng đó được chủ hàng thuê chở từ Lạng Sơn về. 

Không chỉ quần áo, giày dép, túi xách mà mỹ phẩm hàng hiệu cũng có nguy cơ bị làm giả khá lớn. Ngày 23-12, trong quá trình kiểm  đếm 100 tấn hàng hóa các loại không rõ nguồn gốc bị tạm giữ ở cửa khẩu Lạng Sơn, lực lượng chức năng đã phát hiện trên 1 tấn mỹ phẩm (dầu gội đầu, son môi, thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng da) gắn nhãn mác của một số thương hiệu nổi tiếng nghi là hàng lậu, hàng giả. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, số hàng hóa này được thu gom từ Trung Quốc để đưa về Hà Nội và TP.HCM tiêu thụ. Trên bao bì những sản phầm này, ngoài nhãn mác bằng tiếng Anh còn có cả hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Mặc dù đã được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, song hàng giả vẫn được tiêu thụ khá mạnh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công nghệ làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, tâm lý sính ngoại nhưng lại ham rẻ của người tiêu dùng khiến chính họ dễ dàng sập bẫy. Ngoài ra, đối tượng bán hàng giả ngày càng có nhiều chiêu thức, thủ đoạn khác nhau, đặc biệt là việc tự đánh bóng bản thân bằng cách trưng ra các bức ảnh cá nhân chụp tại những nơi sang trọng nhằm tạo sự tin tưởng với khách hàng…

Về trách nhiệm pháp lý của đối tượng buôn bán, kinh doanh hàng giả, nhái, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Nghị định số 06/2008/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, hàng giả là hàng bị giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc nơi sản xuất... Người kinh doanh hàng giả có giá trị từ trên 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; bị buộc tiêu hủy hàng giả. Điều 156-BLHS quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. 

Thời gian qua, những vụ người tiêu dùng  mua hàng hiệu, đặc biệt là mua qua mạng bị lừa xảy ra khá nhiều, song rất khó giải quyết, một phần vì bên bán không có địa chỉ cụ thể, một phần do người tiêu dùng ngại lên tiếng. Do đó, để tránh mua phải hàng giả khách hàng nên đến trực tiếp các cửa hàng phân phối sản phẩm chính hãng hoặc vào trang web chính thức của sản phẩm để kiểm tra, không nên ham rẻ kẻo mua phải hàng trôi nổi, kém chất lượng.