Navibank chán bóng đá: V-League kề miệng vực

ANTĐ - Những tín hiệu cấp cứu đang được phát đi với cường độ ngày một lớn từ V-League, giải đấu hạng cao nhất Việt Nam, nơi mà bấy lâu nay người ta vẫn lầm tưởng nó “ngon và ngọt” dưới vỏ bọc của đồng tiền.

Tương lai V-League đang ảm đạm không khác gì Navibank SG lúc này

Hôm qua, 29-8, có thông tin cho rằng Navibank đang sẵn sàng bán suất V-League của CLB Navibank SG cho một địa phương miền Trung, để tìm một chỗ khác “dễ thở” hơn, có thể là CLB hạng Nhất TP.HCM, đội bóng gần như đã hoàn toàn phá sản. Đây không phải là điều quá bất ngờ. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, bóng đá chỉ tiêu chứ không mang lại nguồn thu nào, nhiều ông “bầu” đã không đủ kiên nhẫn để theo đến cùng cái gọi là đề án làm bóng đá chuyên nghiệp, lấy bóng đá “đẻ” ra tiền của lãnh đạo VFF và VPF. Có lẽ chưa lúc nào, người ta thấy đồng tiền lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến bóng đá Việt Nam như lúc này. Nhiều ông “bầu” rất mạnh chi vào đầu mùa giải, nhưng khi đến cuối mùa, thành tích không được như ý, họ sẵn sàng “buông”. Thế nên, dư luận đặt câu hỏi rằng các ông “bầu” này “đầu tư hay đầu cơ”, chắc cũng không sai.

Không nơi nào như ở Việt Nam, khi mà các đội bóng được đổi tên xoành xoạch vì “tệ nạn” mua bán suất V-League đang xảy ra như chuyện cơm bữa. Có CĐV nói đùa rằng, nếu bứt ra không quan tâm đến bóng đá Việt Nam trong khoảng 4-5 năm thôi, khi quay lại, chắc sẽ chẳng nhận ra đội nào với đội nào nếu nhìn vào những cái tên đăng ký. Đó chính là những giá trị ảo tức thời và không mang tính bền vững, giống như hiện trạng của V-League lúc này. Giải đấu hạng cao nhất Việt Nam được sinh ra bằng tiền, được nuôi nấng cũng bằng túi tiền không đáy của các ông “bầu”. Giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ tăng vọt không song hành với giá trị chuyên môn.

Và khi kinh tế suy thoái, giá trị của V-League cũng tụt giảm theo. Bây giờ, thật khó tìm đâu ra những bản hợp đồng “bom tấn” như kiểu Công Vinh hay Việt Thắng cách đây vài năm nữa. Thậm chí, cầu thủ chuyên nghiệp bây giờ còn đang thấp thỏm trong nỗi lo thất nghiệp bất cứ lúc nào, nếu họ không chịu “hạ giá” mình xuống, chấp nhận lương ít để được tồn tại. Chính HLV Trần Tiến Đại, vốn xuất thân là một “cò” chuyên nghiệp, cũng từng phải thốt lên: “Bây giờ có mấy CLB có tiền để lấy cầu thủ tốt nữa đâu. Giá cầu thủ có khi hạ còn nửa và hơn thế, nhưng cũng không có đội nào mặn mà. Bản thân tôi giờ cũng không tham gia vào thị trường chuyển nhượng nữa vì cũng không có ai mua cả”.

Lãnh đạo VPF vừa thừa nhận khả năng gây “sốc”, là nếu cần thì chấp nhận khả năng V-League giảm xuống còn 10 đội. Điều đó đồng nghĩa với việc 11 năm qua, bóng đá Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, mặc cho người ta luôn ngợi ca và luôn tổng kết mùa giải với câu quen thuộc “mùa giải thành công tốt đẹp”. 

Trở lại với câu chuyện sắp bán suất V-League của Navibank, nhìn bề ngoài, nó là một thương vụ cũng “bình thường” như bao thương vụ khác. Nhưng thật ra, đó là một tín hiệu “báo động” cho một giải đấu đang đứng kề miệng vực.