NATO muốn mở thêm nhiều căn cứ quân sự gần lãnh thổ Nga

ANTĐ - Với việc cho rằng Nga là mối đe doạ tiềm tàng, NATO đã đưa ra một bản kế hoạch hành động, điều rất có thể sẽ mang chiến tranh lạnh giữa phương Tây và Nga trở lại. 

Trong một cuộc họp báo vào hôm 27/8, tổng thư kí NATO, Anders Fogh Rasmussen cho biết rằng, hội nghị thượng đỉnh 28 nước thành viên diễn ra vào tuần tới ở xứ Wales, sẽ tìm kiếm sự ủng hộ về việc tăng cường triển khai các căn cứ quân sự gần biên giới Nga.

Tổng thư kí NATO, Anders Fogh Rasmussen sẽ mãn nhiệm vào ngày 30/9 tới

Giữa những căng thẳng ở cuộc khủng hoảng của Ukraine, NATO đang chuẩn bị xây dựng căn cứ quân sự ở các nước đông Âu bao gồm Ba Lan, và 3 quốc gia thuộc vùng Baltic là Lithuania, Estonia và Latvia. Đây là hành động mà NATO cho rằng là để “tăng cường hiện diện quân sự ở phía đông”.

Ông Rasmussen khẳng định, đây sẽ là những căn cứ quân sự vĩnh viễn và các đồng minh đông Âu sẽ hài lòng khi họ nhìn thấy kế hoạch hành động được thực hiện. Hiện tại, thành phố cảng Szczecin của Ba Lan đang được ngắm trở thành căn cứ quân sự chính của NATO tại khu vực này.

“Kể từ sau chiến tranh lạnh, chúng ta đã sống trong một môi trường khá yên ổn. Giờ là lúc chúng ta phải ứng phó với những thay đổi mới. Sẽ là diều rất thú vị khi xem bao nhiều quốc gia sẽ thích nghi được với thử thách mới”, ông Rasmussen cho hay.

Quân đội NATO sẽ được triển khai thêm đến đông Âu trong thời gian tới

Đương nhiên, Moscow không thể ngồi yên nhìn NATO tăng cường quân sự giáp biên giới của mình và sẽ có những hành động đáp trả đích đáng. Từ sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ, đây là lần đầu tiên NATO có những hành động làm gia tăng căng thẳng rõ rệt với Nga, bất chấp những cam kết sẽ không mở rộng quân sự ra phía đông châu Âu.

Không chỉ Nga, kế hoạch quân sự của NATO còn vấp phải sự phản đối của chính những nước thành viên, những nước cho rằng sẽ không được lợi lộc gì nếu gây căng thẳng với Moscow.

Hiện tại Mỹ và Anh là hai quốc gia ủng hộ nhiệt tình việc chạy đua quân sự gần biên giới Nga. Tuy nhiên, Đức, thành viên lớn thứ 2 trong NATO, lại đang có những động thái không đồng tình với bản kế hoạch này, với lí do một phần ở việc quan hệ giữa Berlin và Washington đang trong giai đoạn căng thẳng về những vụ bê bối do thám lẫn nhau.

Tổng thư kí NATO cũng không quên việc chỉ trích Nga về hành động sáp nhập Crimea và can thiệp vào cuộc nội chiến ở Ukraine, bằng việc khẳng định NATO đã tập trung quân đội gần biên giới và cung cấp vũ khí cho lực lượng li khai ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko, cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO, nơi 28 nước thành viên sẽ chuẩn bị các khoản tiền hỗ trợ hậu cần cho quân đôi Ukraine.

Trong thời gian vừa qua, Nga cũng đã có những phản ứng nhằm cảnh báo động thái gây căng thẳng của NATO, như lên kế hoạch nâng cấp các căn cứ quân sự hay tổ chức các cuộc tập trận bất ngờ để kiểm tra mức độ phản ứng nhanh của quân đội. Tổng thống Nga Putin đã từng phát biểu vào cuộc họp Hội đồng An ninh Nga hồi tháng 7 rằng, việc NATO  tăng cường hoạt động ở vùng biển Đen và biển Baltic với không chỉ vì mục đích tự vệ khi nhiều hệ thống vũ khí tấn công đã được triển khai ở các khu vực này.