NATO diễn tập quân sự “hợp vây” biên giới nước Nga

ANTĐ - Ngày 3-6, các quốc gia thành viên NATO đã bắt đầu cuộc diễn tập hợp tác an ninh quy mô lớn trên lãnh thổ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ tại khu vực Baltic.

Cuộc diễn tập Strike Saber 2013 do Mỹ chỉ huy có sự tham gia của khoảng 2.000 quân đến từ Estonia, Latvia, Litva, Mỹ, Na Uy, Ba Lan, Anh, và binh lính Phần Lan, nước không phải là thành viên NATO, cùng với lực lượng của Quân đoàn Đa quốc gia Đông Bắc thuộc sở chỉ huy NATO tại Ba Lan.

Cuộc diễn tập quân sự năm nay sẽ được tiến hành tại tất cả 3 quốc gia Baltic, gồm: Litva – tại trung tâm huấn luyện chiến đấu Adolfas Ramanauskas ở Nemencine và khu vực huấn luyện Pabrade, Latvia – tại khu vực huấn luyện Adazi và Estonia – tại căn cứ không quân Amari và các thành phố Tapa và Tartu.

Diễn tập Strike Saber 2013 sẽ kéo dài từ hôm nay đến hết ngày 14-6, gồm các khoa mục diễn tập như diễn tập sở chỉ huy cấp lữ đoàn và diễn tập chỉ huy trên máy tính, cũng như các khoa mục diễn tập huấn luyện thực địa và tình huống cấp đại đội.

Nga đã nỗ lực phát triển các loại tên lửa đạn đạo để phá lá chắn phòng thủ tên lửa NATO đang bành trướng về phía đông


"Sở chỉ huy chính của cuộc diễn tập sẽ đặt tại Litva. Lực lượng không quân và Quân đoàn Đông Bắc sẽ được triển khai tới Estonia. Latvia sẽ tổ chức các khoa mục diễn tập thực địa", Trung tá Tiit Paljak, sĩ quan quân đội Estonia tham gia lập kế hoạch cuộc diễn tập, cho biết.

Hôm 31-5, các tàu đổ bộ của Hải quân Ba Lan, Lublin và Poznan, đã chở khoảng 100 tấn trang thiết bị quân sự tới cảng Paldiski của Estonia, cùng 17 xe bọc thép và 50 quân Ba Lan, Đức.

Theo các quan chức Lục quân Mỹ tại châu Âu, cuộc diễn tập Saber Strike "nhằm cải thiện khả năng phối hợp tác chiến chung và hỗn hợp giữa Lục quân Mỹ và các quốc gia đối tác, và còn giúp chuẩn bị cho các lực lượng tham gia có thể thực hiện thành công các hoạt động trong một môi trường chung, hội nhập, liên kết và đa quốc gia".

Lính Mỹ tham gia diễn tập ở Latvia


Đáng chú ý là cuộc diễn tập này của NATO, trừ Mỹ và Anh ra, tất cả các quốc gia còn lại đều có biên giới chung với nước Nga ở phía tây – tây bắc. Các quốc gia này chủ yếu là các thành viên mới kết nạp trong chiến lược “Đông tiến” của NATO, được triển khai sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ dẫn đến sự ra đời của hàng loạt quốc gia mới.

Chiến lược bành trướng về phía đông kéo theo sự triển khai là chắn tên lửa của NATO đến các quốc gia này, đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Nga, làm cho quốc gia rộng nhất thế giới này nỗ lực phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo hạt nhân, để làm đối trọng đã gây nên sự căng thẳng giữa Nga và NATO trong suốt một thời gian dài. Vì thế, nhiều người nghĩ đến cuộc diễn tập lần này không khác gì một cuộc “hợp vây” biên giới của Nga.