NATO áp sát Nga, nguy cơ bùng phát một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”

ANTĐ - Theo tờ báo National Interest của Mỹ, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quyết định triển khai quân đội và vũ khí hạng nặng đến biên giới phía tây của Nga là một hành động chưa bao giờ có. Rõ ràng đó là sự khởi đầu của một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới và nguy hiểm hơn nhiều” so với trước kia. 

NATO áp sát Nga, nguy cơ bùng phát một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” ảnh 1NATO triển khai quân áp sát biên giới phía Tây của Nga, căng thẳng leo thang
Đầu tuần này, Liên minh tuyên bố sẽ tăng số lượng người phục vụ trong lực lượng phản ứng nhanh tại châu Âu lên 40.000 người.

Quyết định mới nhất lần này là một phần của chiến dịch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ và NATO ở Đông Âu và vùng Baltic cũng như tăng cường khả năng phòng thủ của các quốc gia gần biên giới Nga.

Đồng thời, NATO sẽ tiến hành một cuộc diễn tập quân sự lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, từ ngày 28-9 đến 6-11 năm nay.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter tuyên bố rằng, Nhà Trắng sẽ triển khoảng 250 xe tăng, xe bọc thép và thiết bị quân sự tại Đông Âu, trong đó có Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, và Romania. 

Phản ứng lại, Nga đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của mình trước sự “hiếu chiến” của Mỹ và NATO. Đồng thời cảnh báo những hành động này sẽ phá hoại an ninh và ổn định châu Âu. Tuy nhiên, tất cả Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác đã gạt đi những lo lắng này của Nga và cho rằng, tất cả các hoạt động chỉ mang tính chất phòng thủ của họ.
Hiện tại, Nga đã quyết định triển khai một số lượng lớn các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf và Pantsir-S  cho quân khu phương Tây để củng cố quốc phòng, “dằn mặt” NATO. 

Ban điều hành Ủy ban Mỹ vì sự thỏa thuận giữa phương Đông và phương Tây (American Committee for East-West Accord)  cho biết: “Các sự kiện trong tuần này đã dập tắt mọi tia hy vọng có thể cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, vừa được nhen nhóm sau chuyến thăm của  Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Nga trong tháng qua”.

Trong khi đó, những nỗ lực thường xuyên phá hoại hiệp định Minsk trước đó đã khiến căng thẳng Ukraine tiếp tục leo thang. Theo National Interest, tiến trình hòa bình mong manh Minsk  đã bị phá vỡ, các bên xung đột tiếp tục bắn phá lẫn nhau, trong đó động thái của các nước lớn ảnh hưởng không nhỏ tới căng thẳng tại Ukraine.