NASA sợ Nga cắt đứt tuyến vận tải vũ trụ lên trạm ISS

ANTĐ - Hiện Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ đang lo ngại hành động cấm vận của Washington đối với Moscow về vấn đề Ukraine và Crimea sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động hàng không vũ trụ của Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Washington, ông John Logsdon, nhà khoa học người Mỹ, thành viên của Hội đồng tư vấn NASA cho biết, trong lĩnh vực hàng không vũ trụ thì Mỹ phụ thuộc rất lớn vào Nga. Nêu việc vận chuyển người và hàng hóa vào không gian bị gián đoạn bởi những cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine thì đó là một thảm họa.

Khi trả lời câu hỏi trong tình hình hiện nay, liệu việc vận chuyển các phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) với sự giúp đỡ của tên lửa Nga có thể bị gián đoạn vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và Crimea hay không, ông Logsdon đã bày tỏ thái độ rất lo lắng.

Theo ông Logsdon: "Nếu Nga ngừng các hoạt động vận tải lên vũ trụ bởi lệnh cấm vận sẽ dẫn đến một thảm họa thực sự, bởi vì để đảm bảo hoạt động của trạm sẽ là vô cùng khó khăn" - Hãng thông tấn ITAR -TASS trích lời ông Logsdon.

Đến lượt mình, đại diện chính thức của NASA Allard Butel cho biết: "Chúng tôi không nghĩ rằng tình hình Nga - Ukraine hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác lâu dài giữa Mỹ và Nga trong lĩnh vực không gian dân sự". Các sự kiện chính trị ở Ukraine và Crimea không có liên quan gì đến các hoạt động vũ trụ mang tính dân dụng.

Từ sau khi tàu Atlantis trở về Trái đất ngày 21-7-2013, chính thức khép lại chương trình tàu con thoi của Mỹ kéo dài 30 năm, việc đưa người vào vũ trụ phụ thuộc hoàn toàn bởi đội tàu Soyuz của Nga, với chi phí cho mỗi chỗ ngồi của phi hành gia Mỹ trên tàu Soyuz mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phải trả lên đến 51 triệu USD.

Tàu Soyuz của Nga đang kết nối với trạm ISS. Ảnh: NASA

Ngoài ra, việc cung cấp hàng hóa cho trạm cũng được thực hiện bởi đội tàu vận tải không người lái Progress của Nga, tàu ATV của châu Âu và tàu HTV của Nhật. Theo AP, chuyến bay tiếp theo của tàu Progress sẽ được thực hiện vào cuối tháng 10 tới, trong khi hai tàu của châu Âu và Nhật sẽ bay vào tháng 3 và 5 năm sau.

Vừa qua, sau khi Nga quyết định sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, hôm 17-3, ông Obama đã công bố trừng phạt đối với một danh sách gồm 7 quan chức cao cấp Nga, trong đó có Chủ tịch Thượng viện Valentina Matviyenko, và Phó thủ tướng Dmitry Rogozin. Ngoài ra, lệnh cấm vận còn áp dụng đối với cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych và một số quan chức lãnh đạo Crimea.

Sau đó, ngày 20-3, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố áp dụng các lệnh trừng phạt đối với 9 quan chức cao cấp Mỹ để trả đũa việc Washington áp đặt lệnh cấm thị thực và phong tỏa tài sản đối với nhiều quan chức cao cấp của nước này. 

Tuyên bố của Nga được đưa ra chỉ ít phút sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.