“Nào chúng ta cùng… xếp hàng!”

ANTĐ - Đây là nhan đề một Entry trên blog song ngữ (Việt - Anh) của một chàng sinh viên Canada đang học tiếng Việt tại trường Đại học KHXH& NV. Bằng cảm quan ngồ ngộ, những bài viết của chàng về muôn vẻ đời sống phố phường thu hút được rất nhiều comments của cư dân mạng. 

Quán xếp hàng là một trong “thương hiệu” của Hà Nội được nhiều du khách yêu thích

“Mình hay đi lang thang trên các phố và có một phát hiện cực kì hay về các quán ăn ở Hà Nội: Quán kéo (là cho nhân viên ra chặn đường kéo khách vào quán và cưỡng bức ăn); Quán chém (là hễ thấy khách lạ, nhất là tây như mình thì phải… “vặt”!); và Quán xếp hàng. 

Mình đặt tên cho các quán này là quán xếp hàng là vì những quán này rất chi là… mất lịch sự, khách ăn phải một tay cầm tiền, xếp hàng lần lượt vào mua, tự bưng bê tìm chỗ ngồi ăn. Ban đầu mình cảm thấy khó chịu vì cứ nghĩ đây là tàn dư của xã hội Việt Nam thời bao cấp. Nhưng mình đã vào ăn thử và trời ơi, ngon tuyệt vời! Hóa ra những quán ngon thì khách đông nên mới phải xếp hàng.

Ở Hà Nội có nhiều quán kéo, quán chém nhưng cũng có nhiều quán xếp hàng lắm”, trong đó có một quán phở gà gần cơ quan tôi. Quán ấy có diện tích 2,8m x 6m, hẹp đến nỗi hai dãy bàn ăn phải kê áp vào tường. Vậy mà từ sáng đến tối đông nghịt khách. Người này vừa đứng dậy đã có người khác chờ ngồi. Mỗi ngày cửa hàng nho nhỏ ấy bán tới 1.000 bát phở. Khách đến quán toàn người lịch sự. Lịch sự trong cách ăn uống tao nhã. Ai cũng ý thức được rằng, quán hẹp thế này, chỉ một tiếng húp mạnh cũng trở thành thô lỗ. Bà chủ quán tuổi ngoại cửu tuần, mái tóc bạc phơ, chỉ ngồi một chỗ trong căn phòng phía sau điều hành bằng những lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng có sức nặng… ngàn cân. Quán phở có thương hiệu từ những năm 40 của thế kỉ trước và được truyền đến 4 đời.  

Có lẽ ở đất Hà Nội này không có quán phở nào mà người nấu nướng phục vụ toàn… thạc sĩ và tiến sĩ! Những người con, người cháu nhờ quán phở gia truyền mà thành đạt nên họ ý thức rất rõ về tài sản vô giá tiền nhân để lại. Dù họ đã có công ăn việc làm ổn định trong những cơ quan sang trọng, và tất cả đã có nhà riêng, nhưng họ vẫn thay phiên nhau cởi com lê cà vạt khoác tạp dề bưng bê nấu nướng. Phở ngon không, chưa đủ. Điều quan trọng hơn là cung cách phục vụ.

Người Hà thành sành ẩm thực, đòi hỏi ngon miệng ngon mắt ngon tai. Bát phở đặt nhẹ trước mặt kèm một nụ cười bằng mắt tươi vui. Một vỏ chanh, một mẩu giấy ăn, một giọt nước dùng vừa vương ra bàn là đã có người nhanh tay lau dọn. Ai gọi thêm quẩy, nước trà xanh… đều được đáp lại bằng một tiếng dạ nhẹ nhàng khoan thai nhưng loáng một cái yêu cầu của khách được đáp ứng. Tuyệt nhiên không có tiếng sai phái gắt gỏng hay tiếng thưa chỏng lỏn. Và điều đặc biệt ở quán phở này là luôn luôn điều chỉnh giá. Lúc gà lên giá, phở cũng nhích lên, nhưng khi giá gà xuống thì lập tức phở cũng xuống theo. Vì thế ở thời điểm này, giá một bát phở gà ở quán này vẫn chỉ 25.000 đồng. Người xưa có câu “Lấy được chữ tín của thiên hạ hưởng lộc muôn đời”. Những quán hàng trong câu chuyện này phải mất một thời gian dài để tạo dựng thương hiệu và họ đã được đền đáp xứng đáng. 

Đoạn cuối trong Entry của chàng sinh viên ngoại quốc kia viết: “Khi đến Hà Nội các bạn chớ có ngây thơ con gà tơ thấy người ta ra chặn đường mời vào quán mà tưởng họ hiếu khách nhé. Đó là những quán ăn cực kì dở nên mới phải thế. Những quán đó tớ đã đến một lần và chạy mất dép! Hãy tìm những quán đông khách và bạn sẽ cảm thấy hài lòng sau khi xếp hàng!”.

Kết luận này rất đáng để chúng ta ngẫm nghĩ về triết lí kinh doanh, không chỉ ở dịch vụ ăn uống mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.