Nâng tầm “đối tác chiến lược”

ANTĐ - Quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - ASEAN vốn đang trên đà phát triển thuận lợi, tiếp tục được cụ thể hóa bằng những thỏa thuận hợp tác mới. 

Theo nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản, các quan chức tài chính Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ khởi động một khuôn khổ mới cho hợp tác tài chính. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhật Bản và 10 nước thành viên ASEAN sẽ nhóm họp ngày 3-5 tại Thủ đô New Delhi. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của giới lãnh đạo tài chính có sự tham gia của các Thống đốc Ngân hàng Trung ương. 

Có thể nói, quan hệ Nhật-ASEAN là quan hệ “đối tác chiến lược”, được xây dựng trên những quyền lợi chiến lược chung và vì những mục tiêu chung. Điều đó xuất phát từ thực tế ASEAN ngày càng khẳng định mình như một khu vực có tầm chiến lược với các cường quốc, trong đó có Nhật Bản. Các tuyến hàng hải nối liền Nhật Bản với thế giới bên ngoài đều đi ngang khu vực. Một ASEAN bất ổn sẽ là trở ngại cho hòa bình và sự phát triển phồn vinh của Nhật Bản. 

Về mặt kinh tế, thực tế cho thấy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản luôn gắn bó mật thiết với mọi động thái của láng giềng ASEAN. Hiện Nhật Bản có tới 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại địa bàn ASEAN. Theo kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp Nhật Bản, trong danh sách 20 địa chỉ ưu tiên hàng đầu sẽ lập quan hệ đầu tư trong vài năm tới, có đến 8 nước thành viên ASEAN. 

 Ngoài kinh tế, thành công lớn nhất của 40 năm quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau thông qua ngoại giao nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Mỗi năm, có hơn 13.000 sinh viên ASEAN sang Nhật du học và con số này sẽ còn tăng lên. 

Nếu xét từ góc độ toàn cầu, Nhật Bản cần các nước ASEAN không chỉ để thúc đẩy nền kinh tế của mình đang trong vòng xoáy giảm phát kéo dài, mà còn nhằm đối phó với các cường quốc khác trong khu vực, như Trung Quốc chẳng hạn. Việc Nhật Bản thúc đẩy hệ thống đường sắt cao tốc ở Bangkok (Thái Lan), nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, thúc đẩy các dự án hạ tầng trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể mở rộng và đẩy nhanh phát triển kinh tế ở Indonesia chính là để đặt chỗ đứng vững chắc tại các nước này trong cuộc đua với các cường quốc khác.

Với nhiều lợi ích ràng buộc như vậy nên quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản – ASEAN dễ có điều kiện nâng cấp. Tại cuộc gặp sắp tới ở Thủ đô New Delhi, Nhật Bản dự kiến sẽ khôi phục các hiệp định về hoán đổi tiền tệ song phương với Malaysia, Singapore và Thái Lan, đồng thời tăng cường các thỏa thuận hiện có với Indonesia và Philippines nhằm bổ sung vào Sáng kiến Chiang Mai - hiệp định hoán đổi tiền tệ được đưa ra năm 2000 để giải quyết các vấn đề về tính thanh khoản ngắn hạn ở châu Á trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. 

Nhật Bản cũng dự tính cùng với Indonesia, Philippines và Singapore khởi động các cuộc bàn thảo về các thỏa thuận song phương cho phép ngân hàng trung ương của mỗi nước cung cấp nguồn quỹ nội tệ cho các ngân hàng Nhật Bản và nhận thế chấp bằng trái phiếu chính phủ Nhật Bản, qua đó tạo thuận lợi cho các công ty của Nhật Bản hoạt động tại các nước này sử dụng đồng tiền bản địa. Những chân trời mới đang mở ra cho quan hệ Nhật Bản - ASEAN.