Nắng nóng, bọ xít hút máu lại tấn công!

ANTĐ - Hàng loạt bọ xít hút máu đã bò vào nhà dân ở Ninh Thuận để hút máu người gây đau nhức và sưng tấy khiến nhiều người dân lo sợ. Trước đây tại Hà Nội cũng ra từng có bọ xít hút máu…

Loại côn trùng nguy hiểm

Ông Nguyễn Lâm Cảnh, ở phường Mỹ Phước bị bọ xít đốt, hai bắp vẫn còn sưng tấy kể lại rằng do thời điểm này thời tiết ở Ninh Thuận nóng như thiêu như đốt và đã xuất hiện bọ xít hút máu. Trong nhà không chỉ mình ông bị đốt. Cả nhà tìm quanh thì thấy loại côn trùng, xung quanh người toàn gai, mùi hăng hăng chúng bò lổm ngổm quanh giường. Xoa dầu vào vết thương nhưng mãi vẫn không thấy vết thương lành mà cứ tấy lên, thế là phải đến cơ sở y tế để hút chất độc. Các bác sỹ cho biết đó là loại bọ xít hút máu người. Nó có kích thước chiều dài 3-4cm. 

Cũng như ông Cảnh, bà Lê Thị Hà, sống ngay bên nhà ông Cảnh năm nay đã ngoài 70 tuổi cũng bị loại côn trùng tương tự đốt. Các bác sỹ ở Trung tâm y tế Phan Rang cho biết, ông Cảnh và bà Hà vào trung tâm trong tình trạng ngứa toàn thân, huyết áp tụt mạnh. Khi người nhà các bệnh nhân đưa con côn trùng lạ để đối chiếu vết cắn cũng như chất độc có trong người nạn nhân thì ban đầu  xác định nguyên nhân bệnh nhân nhập viên do bị bọ xít hút máu cắn.

Chúng tôi điều trị thuốc chống dị ứng và thuốc tăng huyết áp cho bệnh nhân. Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe của ổn định, không còn mối nguy hiểm đến sức khỏe nữa. Tuy nhiên, với người mẫn cảm với côn trùng thì vết đốt có thể sưng tấy to, bị phù, gây sốt. Có người sốt kéo dài phải cần tới sự can thiệp của các bác sĩ, nhất là đối với trẻ em - đối tượng rất ưa thích của bọ xít hút máu. 

Nắng nóng, bọ xít hút máu lại tấn công! ảnh 1

Từ ao hồ bọ xít bò qua các kẻ tường vào nhà để hút máu người 

 Sau khi bị bọ xít hút máu, người dân đã bắt gom lại mang đến Trung tâm Phòng chống sốt rét Ninh Thuận để phân tích. Sau khi tiếp nhận hàng loạt con bọ xít hút máu người từ những người dân gom bắt mang tới, Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua đối chiếu các mẫu bọ xít do người dân bắt gom với các dữ liệu về côn trùng cho thấy loài bọ xít này thuộc giống Panstrongylus, thường gọi trong dân gian là bọ xít hút máu. Loại bọ xít này khá nguy hiểm, thường cư trú và xuất hiện ở các khu ẩm thấp, các khu ao hồ ô nhiễm, các khu chứa nước thải. Đặc biệt là vào những mùa nắng nóng này, khi mà ao hồ cạn kiệt thì một số đầm còn nước chính là nơi sinh sôi và trú ngụ cho loài bọ xít này. 

Cẩn trọng khi bị đốt

Nhiều người dân lo ngại  bị bọ xít hút máu người tấn công sẽ bị truyền bệnh nhưng Trung tâm phòng chống sốt rét Ninh Thuận khẳng định: Hiện nay, chưa phát hiện bọ xít hút máu truyền bệnh sang người. Nhiều năm gần đây, bọ xít hút máu người xuất hiện một cách ồ ạt tại nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Lào... Tại Việt Nam, bọ xít hút máu người đã tồn tại từ rất lâu nhưng mới được phát hiện từ năm 2011. Hiện nay, loài bọ xít này đã phát tán ra nhiều tỉnh thành khác nhau. Nhất là các địa phương có thời tiết khắc nghiệt. Hà Nội cũng đã từng có bệnh nhân bị bọ xít hút máu đốt.

 Để tránh bị bọ xít hút máu đốt người dân nên thực hiện tốt các việc, thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, đặc biệt là những nơi ẩm thấp. Loại bỏ những vật dụng mủn, mục (củi mục, vải mục, rác thải) không sử dụng. Thường xuyên nằm ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không chui vào. Khi bị bọ xít đốt nên rửa ngay bằng xà phòng, không gãi tại vết đốt. Nếu vết đốt sưng, phù nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. Tuy nhiên loài bọ xít này có khả năng sinh sôi và thường “tấn công” bất ngờ. Nếu tiêu diệt chúng khi phát hiện cũng cần có phương pháp. Khi phát hiện nên tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm và diệt bọ xít.