Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014: Hà Nội tiến bộ vượt bậc

ANTĐ - Sáng 16-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chủ trì lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014. Hà Nội đã vươn lên xếp ở vị trí thứ 26, tăng 7 bậc so với PCI năm 2013.

Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp của Hà Nội còn 3 ngày

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban pháp chế (VCCI) cho biết, chất lượng điều hành của các địa phương có dấu hiệu được cải thiện. So với năm 2013, khoảng cách điểm số giữa các tỉnh tiếp tục được thu hẹp. Kết quả điều tra PCI cũng cho thấy sự cải cách của các tỉnh “ngôi sao” tiếp tục chững lại, thiếu sự bứt phá. Trong khi đó, nhóm tỉnh xếp ở cuối bảng xếp hạng năm 2013 có nhiều cải thiện ở các chỉ số: đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính…

Tiếp nối thành tích năm 2013, Đà Nẵng vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng CPI năm 2014. Vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt thuộc về Đồng Tháp và Lào Cai. Lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, thành phố Hồ Chí Minh bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, xếp ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng này. Tương tự như năm 2013, đứng cuối bảng xếp hạng PCI năm 2014 vẫn là các tỉnh miền núi phía Bắc là: Điện Biên, Lai Châu và Cao Bằng.

Đáng chú ý, điểm của tỉnh trung vị PCI 2014 tiếp tục tăng lên so với năm 2013, đạt 58,58 điểm, ghi nhận mức độ thay đổi tích cực về chất lượng điều hành từ các tỉnh. Nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có chỉ số PCI ở mức khá, Hà Nội tăng 7 bậc trong bảng xếp hạng PCI, lên vị trí thứ 26. Trong 10 chỉ số thành phần tính điểm PCI, năm vừa qua, Hà Nội được đánh giá cao về sự cải thiện chi phí gia nhập thị trường; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động. Một số chỉ số khác như: tiếp cận đất đai, tính minh bạch; thiết chế pháp lý đạt trên mức trung bình. Tuy nhiên, Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao tính năng động của lãnh đạo, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; giảm các chi phí không chính thức để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại lễ công bố, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho biết: “Hà Nội và một số địa phương khác đã có nhiều sáng kiến và hành động mạnh mẽ trong cải thiện PCI của địa phương mình”.

Đánh giá cao sự nỗ lực của Hà Nội trong 10 năm qua, GS.TS Edmund Malesky- Đại học Duke, Hoa Kỳ, trưởng nhóm nghiên cứu PCI chia sẻ: “Tôi đã làm việc với Hà Nội nhiều năm qua. Hà Nội gặp nhiều khó khăn hơn so với các địa phương khác, đặc biệt là sau khi hợp nhất với Hà Tây, một phần tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội không chỉ phải giải quyết các vấn đề riêng của địa phương, mà còn phải giải quyết cả các vấn đề của cả nước. Đây là lý do vị trí xếp hạng CPI của Hà Nội chưa cao bằng một số địa phương khác. Khó khăn của Hà Nội rất đặc thù nhưng tôi tin Hà Nội sẽ giải quyết được”.

Cũng theo Tiến sĩ Edmund Malesky, chỉ số chi phí không chính thức còn cao không chỉ riêng đối với Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng vướng mắc. “Hy vọng thời gian tới, các địa phương sẽ có sáng kiến để giải quyết vấn đề này một cách hệ thống hơn”- trưởng nhóm nghiên cứu PCI nói.

PCI 2014 được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 9.859 doanh nghiệp dân doanh. Kết quả PCI cũng cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh khi tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn đã gia tăng trở lại (10,8%), sau 2 năm giảm xuống mức thấp nhất (6,4%). Và lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất (15,1 tỷ đồng), gấp đối so với năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lão động cũng tăng gần gấp đôi so với mức chạm đáy của năm 2012 và 2013.

Tin cùng chuyên mục