Nặng lòng với những đứa trẻ vùng sâu

ANTĐ - “Nhắc đến cô giáo Thạnh ai cũng biết cô là một trong những con chim đầu đàn trong sự nghiệp trồng người, hết lòng đam mê, hết lòng cống hiến cho vùng sâu. Cô cũng là người có “thâm niên” cõng gạo và quà đi giúp trẻ em nghèo trong các thôn buôn ở vùng sâu, vùng xa. Cô giáo Lê Thị Thạnh, giáo viên toán Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Đăk Đoa) gợi lên trong tôi nhiều niềm háo hức về người giáo viên đặc biệt này. 

Nặng lòng với những đứa trẻ vùng sâu ảnh 1

Đã có lúc tôi định bỏ nghề… nhưng

Như một thói quen lạ, trong những chuyến công tác Tây Nguyên tôi luôn có ấn tượng sâu sắc với những trường học và những giáo viên vượt khó ở vùng sâu. Ở đó, họ còn thiếu thốn trăm bề nhưng vẫn bùng cháy một bầu nhiệt huyết đáng khâm phục. Thấy vẻ háo hức của tôi, ông Trịnh Văn Hướng, chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Đắk Đoa phân trần: “Ở đây hiếm có báo chí đến viết bài lắm. Có lẽ cũng bởi xa xôi quá. Đây còn là vùng đất nghèo nhưng nhiều học sinh và giáo viên đã trưởng thành và đạt thành tích cao lắm, sự khích lệ tinh thần cho họ là điều rất quan trọng, nhất là những người cả đời gắn với sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu như cô Thạnh”. 

Là một giáo viên giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền nhưng cô Lê Thị Thạnh vẫn khiêm tốn tâm sự rằng: “Đối với tôi, không có niềm hạnh phúc nào hơn khi được đứng trên bục giảng trang bị cho các em những kiến thức làm hành trang bước ra đời. Nhất là đối với những trường học vùng sâu. Ý nghĩ bám trụ ở các trường học nơi sâu xa  nhất đã hình thành trong tôi từ những ngày sinh viên”. 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo đông anh em ở Hội Thương (Pleiku, Gia Lai). Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm, cô Thạnh xung phong lên công tác tại trường THCS xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa. Lúc đó, Nam Yang là một xã khó khăn của huyện Mang Yang, đường sá đi lại còn khó khăn, ổ voi, ổ trâu chằng chịt, cơ sở vật chất thì nghèo nàn.

Đằng đẵng năm này qua tháng nọ phải ở trong căn nhà ván cứ trời đổ mưa là nước dột, gió thốc tứ bề. Không chỉ đối mặt với những khó khăn về vật chất, giáo viên cắm bản ở đây phải băng rừng lội suối đưa cái chữ đến từng buôn làng. Trong một lần đến Mang Yang thăm con, bố mẹ cô Thạnh đã phản đối kịch liệt muốn cô Thạnh thoát khỏi cái vùng “khỉ ho cò gáy” này nhưng với ước mơ ấp ủ từ lâu cộng với nghị lực và lòng quyết tâm đã chắp cánh cho cô giáo trẻ Lê Thị Thạnh vượt qua bao khó khăn vất vả. Nhớ lại, cô Thạnh chia sẻ: “Tôi không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Không ít đêm mưa dột ướt hết người không tài nào ngủ được, tôi cũng có lúc định bỏ nghề, nhưng nhìn ánh mắt các em nơi vùng sâu khó khăn này lại thương các em da diết. Có thời điểm bạn bè rủ nhau bỏ nghề gần như không còn ai càng khiến tôi thương vùng đất này hơn. Nếu mình cũng bỏ đi nốt thì trẻ em ở đây biết học với ai”.  

Sau những đêm trằn trọc suy nghĩ làm thế nào để khắc phục khó khăn trước mắt cho mình và có điều kiện giúp các em tới trường, cô Thạnh nghĩ ra cách thực hiện chính sách 3 giỏi “giỏi tuyên truyền, giỏi dạy, giỏi tăng gia”. Đêm nào cũng vậy với chiếc đèn pin đom đóm, cô giáo viên trẻ này lại trở thành người “tuyên truyền viên” đi bộ hàng chục cây số chèo đèo lội suối đến từng thôn, từng làng vận động các em đến trường. Ban ngày cô Thạnh trở về với hình ảnh cô giáo đứng trên bục giảng chỉ bảo các em từng nét chữ, còn chiều về hình hình cô giáo viên trẻ lại trở thành người “nông dân châm lấm tay bùn” phát cỏ khai hoang trồng trọt,  chăn nuôi để kiếm thêm tiền mua sách vở tiếp sức cho các em tới trường. Công việc đó cứ quấn riết lấy cô suốt hơn 5 năm trời. 

Danh hiệu quý giá nhất là học sinh thành tài

Đã được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú cách đây 2 năm nhưng cô Thạnh vẫn luôn tâm niệm một điều danh hiệu quý giá nhất đó là các thế hệ học sinh thành tài. Cô giáo Đinh Xuân Thanh - Chủ tịch công đoàn trường THCS Võ Thị Sáu, người đồng nghiệp gần 20 năm công tác cùng cô Thạnh chia sẻ: “Rất nhiều giáo viên trong trường mỗi khi lung lay ý chí lại được cô Thạnh động viên kịp thời để bám lớp. Tôi vẫn còn nhớ mãi cái ngày đi cùng cô vào thôn bản vận động các em đến trường, đường rất xa. Trời nắng thì còn đỡ khổ, nếu vào ngày mưa thì trên đường đi hai chị em chúng tôi không biết ngã lên ngã xuống bao lần. Khó khăn là thế mà chị Thạnh hôm nào cũng luôn đeo theo một bao tải củ khoai lang vào làng chia cho các em có hoàn cảnh khó khăn”. 

Năm 1986, khi trường Nam Yang bớt khó khăn, cô Thạnh lại xung phong sang trường THCS H’neng. Bởi rất nhiều giáo viên ở ngôi trường này đã muốn chuyển đi nơi khác cũng vì cái khó ở đây. Năm 1989 cô giáo Lê Thị Thạnh mới chuyển về trường THCS Võ Thị Sáu và bám trụ cho đến nay. Công tác tại đâu, cô Thạnh cũng miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu không ngừng nâng cao chuyên môn và bao nhiêu lớp học trò trưởng thành. Đánh giá về cô Thạnh, Phó hiệu trưởng trường THCS Võ Thị Sáu, bà Nguyễn Minh Khanh cho biết: “Cô giáo Thạnh có lối sống giản dị, tận tụy với nghề, không ngừng nâng cao chất lượng chuyện môn, thay đổi phương pháp dạy mang lại tiết học hiệu quả nhất cho học sinh, được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh tin yêu, kính trọng. Hàng trăm học sinh giỏi cấp tỉnh đã được cô Thạnh bồi dưỡng”.  

Gần 33 năm gắn bó với bục giảng là bấy nhiêu năm đạt danh hiệu giáo viên giỏi, 13 năm là Chiến sĩ thi đua và nhiều năm được tỉnh Gia Lai tặng nhiều Bằng khen. Từ những phấn đấu không mệt mỏi đó, tháng 10-2006 cô được tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, đặc biệt năm 2011, cô Lê Thị Thạnh  vinh dự là một trong 4 nhà giáo của tỉnh Gia Lai được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. 

Ở cái tuổi ngoài 50, mái tóc lốm đốm bạc nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, lòng yêu nghề từ cô Thạnh vẫn mãi còn thắp sáng cho lớp giáo viên trẻ noi theo. Khi trời đã nhá nhem tối, tôi vẫn còn được chứng kiến một nhóm học sinh đang đứng chờ cô ngoài cửa để hỏi bài. Nhà giáo ưu tú Lê Thị Thạnh bảo: “Không thống kê được số lượng học sinh giỏi tôi đã bồi dưỡng suốt mấy chục năm nay đâu. Các em đến hỏi bài, có muộn đến mấy thì mình vẫn thấy vui, thấy hạnh phúc”.

Dẫu chân đã yếu vẫn cõng gạo đi giúp trẻ em nghèo

Khi cuộc sống đỡ chật vật hơn, thì cô Nguyễn Thị Thạnh lại nghĩ đến một việc làm khác mà dù khó khăn và gian khổ nhưng cô lại xem đó là niềm vui riêng của mình. Suốt 4 năm nay, tháng nào cũng vậy cứ như một lập trình, sau khi lĩnh lương cô Thạnh lại chất một bao tải đầy những phần quà gồm các nhu yếu phẩm như; thịt, lạc, đường, sữa, gạo…đến các buôn sâu cho trẻ em nghèo. Cô Thạnh giãi bày rằng: “Tôi trích một nửa số lương hàng tháng của mình và vận động thêm của nhiều thầy cô khác nữa, đích thân mua quà và chở đi. Nhiều buôn làng vùng sâu, trẻ có khi cả tháng mới được ăn bữa cơm có thịt nên khi mình mang quà lên các em vui lắm. Nhưng với sức khỏe như hiện này thì tôi còn đi tặng quà và giúp các em được phải đến dăm năm nữa. Khi nào không có sức thì mua nhu yếu phẩm về rồi nhờ người gọi cha mẹ các em lên nhận về vậy thôi”- cô Thạnh cho biết.x