Nặng gánh nợ bảo hiểm thất nghiệp

ANTĐ - Nếu như năm 2011, số nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên cả nước là 172 tỷ đồng, năm 2012 tăng hơn gấp đôi lên 365,4 tỷ đồng thì chỉ tính đến hết tháng 8-2013, con số này đã tăng chóng mặt lên hơn 600 tỷ đồng. Cùng đó, tình trạng các doanh nghiệp “lách luật” để trốn BHTN cũng ngày càng báo động.

Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi mất việc
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Phao cứu sinh cho người lao động

Chính sách BHTN có hiệu lực thi hành từ năm 2009, lúc đầu cả doanh nghiệp và người lao động đều không mấy mặn mà. Tuy nhiên vài năm gần đây, khi nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng thất nghiệp, mất việc làm gia tăng thì BHTN thực sự trở thành “phao cứu sinh” cho người lao động. Chính sách này đã kịp thời bù đắp một phần thu nhập cho người lao động mất việc làm để duy trì cuộc sống và có các biện pháp tích cực như tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề. Vì vậy, số người tham gia BHTN liên tục tăng, số người được thụ hưởng cũng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, cũng giống như các loại hình bảo hiểm xã hội khác, chiếc “phao cứu sinh” của người lao động trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế này đang bị nhiều doanh nghiệp “đánh cắp”. Ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHTN cho người lao động ngày càng có xu hướng gia tăng. Phổ biến nhất là hình thức doanh nghiệp “lách luật” bằng cách ký hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với người lao động dưới 12 tháng để không phải đóng BHTN. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, theo phản ánh của cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố thì hiện nay không xác định được hết số doanh nghiệp và người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN trên địa bàn do số lượng này quá lớn. 

Số nợ đọng gia tăng

Cùng với việc trốn đóng BHTN cho người lao động thì tình trạng nợ đọng BHTN của các doanh nghiệp cũng ngày càng tăng. Theo ông Lê Quang Trung, năm 2011, số nợ đọng BHTN là 172 tỷ đồng. Năm 2012 con số này tăng hơn 2 lần, đạt 365,4 tỷ đồng, trong đó nợ ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHTN là hơn 223,3 tỷ đồng (chiếm 61,13% tổng số nợ). Tính đến tháng 6-2013, số nợ BHTN là 544,4 tỷ đồng, trong đó nợ ngân sách 266,2 tỷ đồng (chiếm 48,9% tổng số nợ). Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bổ sung thêm, tính đến tháng 8-2013, số nợ đọng BHTN đã lên tới trên 600 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ 1% từ Ngân sách nhà nước là gần 303 tỷ đồng, phần nợ từ đơn vị sử dụng lao động là 299 tỷ đồng. 

Sự gia tăng nợ đọng BHTN khiến Quỹ BHTN đang bị đe dọa. Trên thực tế, do số lượng người tham gia BHTN tăng nhanh nên số thu BHTN cũng tăng theo từng năm. Tính đến tháng 8-2013, tổng số tiền thu BHTN là hơn 27,6 tỷ đồng, trong khi số tiền đã chi trả từ năm 2010 đến nay là hơn 6,7 tỷ đồng nên số kết dư quỹ tương đối lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Cường phân tích, Quỹ BHTN có số kết dư lớn chủ yếu là do năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện chính sách BHTN) chỉ thu phí tham gia BHTN mà chưa phải chi trả. Đến năm 2010 và 2011 mới thực hiện chi trả nhưng ở mức thấp, thời hạn hưởng là 3 tháng trợ cấp nên số phải chi trả không lớn. Còn từ năm 2012 trở đi, Quỹ BHTN bắt đầu phải chi lớn hơn nhiều so với trước do số người hưởng trợ cấp ngày càng tăng cao, thời gian hưởng theo quy định mới cũng dài hơn. Ông Cường cho rằng, với tình hình hiện nay và nếu chính sách BHTN không kịp thời thay đổi thì số thu BHTN về lâu dài sẽ khó khăn trong việc cân đối thu chi.