Nâng cấp đào tạo tiến sĩ ngang tầm trình độ khu vực

ANTD.VN - Sau nhiều năm áp dụng những quy định đào tạo tiến sĩ dù được đánh giá là nghiêm ngặt nhưng vẫn không đảm bảo đầu ra chất lượng đồng đều, Bộ GD-ĐT đang dự kiến đưa ra bộ quy chế mới. Theo đó, các quy định đầu vào, đầu ra đều được “nâng cấp” lên tầm khu vực và hứa hẹn sẽ có sự chọn lọc tự nhiên kể cả người được đào tạo lẫn cơ sở đào tạo.

Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tiếp cận dần với chuẩn quốc tế và khu vực là cần thiết 

Chỉ dành cho người thực tài, thực lực

Được đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT công bố từ tháng 4-2016 sau “sự kiện” trung bình mỗi ngày một tiến sĩ “ra lò” của một đơn vị đào tạo tiến sĩ có tiếng trong nước, quy chế mới về đào tạo bậc học cao nhất này vừa được công khai dự thảo, lấy ý kiến hoàn thiện.

“Chúng ta cần chấp nhận có thể giảm quy mô để tập trung vào chất lượng và đào tạo tiến sĩ chỉ dành cho những người thực tài, thực lực, có mục tiêu học tập rõ ràng. Đào tạo tiến sĩ cũng chỉ thực hiện ở những cơ sở đào tạo đủ điều kiện đảm bảo chất lượng”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh về định hướng đào tạo tiến sĩ sắp tới.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, khác với quy chế hiện hành quy định ngoại ngữ bắt buộc ở đầu ra, quy chế mới bắt buộc ngoại ngữ phải đạt chuẩn nhất định ngay từ đầu vào. Ngoại ngữ được xem là công cụ hỗ trợ cho nghiên cứu, vì vậy trước khi bắt đầu làm luận án, nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết để nghiên cứu, tham khảo tài liệu.

Quy chế mới cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế. 

Đối với chất lượng đầu ra đào tạo tiến sĩ, dự thảo quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.

Được biết, đào tạo tiến sĩ tại Đức, điểm mấu chốt là nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 3 công trình trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCI (Science Citation Index - Danh mục trích dẫn khoa học). Đây là chuẩn đầu ra duy nhất, nếu không nghiên cứu sinh hoặc phải nghỉ giữa chừng hoặc cần thêm thời gian cho đến khi hoàn thành.

Với quy định này, các chuyên gia giáo dục cũng nêu băn khoăn vì sao Việt Nam không áp dụng cách đánh giá như vậy? Nếu 3 công trình khó quá thì giảm còn 1 hoặc 2 công trình, như vậy sẽ không còn tiến sĩ chất lượng thấp, không có công trình khoa học không thực tế.

Đảm bảo cơ chế chọn lọc trong quá trình đào tạo 

Lý giải về chất lượng đào tạo tiến sĩ chưa đồng đều, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam so sánh việc nghiên cứu sinh ở Việt Nam được đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm, trong khi tại đa số các nước tiên tiến, nghiên cứu sinh phải làm việc toàn thời gian.

Theo đó, Hiệp hội này kiến nghị Bộ GD-ĐT cần yêu cầu nghiên cứu sinh phải tham gia đào tạo theo hình thức chính quy tập trung, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu không tập trung toàn bộ thời gian 36 tháng thì tối thiểu phải tập trung nghiên cứu sinh 4 tháng mỗi năm tại cơ sở đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tiếp cận dần với chuẩn quốc tế và khu vực là rất cần thiết. Theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam mới được Chính phủ ban hành đã tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN. Như vậy, để đạt được chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cũng phải ngang bằng với trình độ tiến sĩ các nước khu vực ASEAN.

Trước hàng loạt các quy định dự kiến bổ sung trong quy chế đào tạo tiến sĩ sắp tới, nhiều ý kiến lo ngại, yêu cầu như vậy quá khắt khe, không phù hợp với điều kiện đào tạo tiến sĩ hiện nay của Việt Nam.

Trước ý kiến này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ: “Trong điều kiện hiện nay của các cơ sở đào tạo tiến sĩ, nếu áp dụng những quy định này là khó, nhưng nếu xem xét đến bối cảnh phát triển chung của giáo dục đại học ở các nước trong khu vực, chúng ta bắt buộc phải đặt ra chuẩn để phấn đấu. Đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong giáo dục đại học, là đào tạo những nhà nghiên cứu, vì vậy phải chuẩn từ chất lượng đầu vào, đảm bảo cơ chế chọn lọc trong quá trình đào tạo và đạt chuẩn chất lượng đầu ra”.

Bên cạnh đó, trước yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cạnh tranh trong hội nhập quốc tế, đào tạo tiến sĩ trong nước không thể tiếp tục đòi “đặc thù”, chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chuẩn chất lượng.

Tin cùng chuyên mục