Nâng cấp bộ mặt văn hóa Thủ đô

ANTĐ - Những đám đông hỗn loạn, tranh cướp xô đẩy nhau, hòng “xin” được một chút lộc Thánh trong một lễ hội, rồi cũng lại đám đông hỗn loạn ấy tranh cướp xô đẩy nhau đến chết ngất để cướp cho được một nhành hoa anh đào. Mới đây cả nghìn người tranh giành nhau  những suất ăn trong một cửa hàng shushi miễn phí trên phố Đoàn Trần Nghiệp. Văn hóa ứng xử, văn hóa nơi công cộng của người Hà Nội xem ra đang rất chênh.

Cả nghìn người chen nhau ăn shushi miễn phí

Lệch chuẩn

Xem lại những tấm ảnh cũ, chẳng đâu xa, những năm 1980, khi đất nước còn nhiều gian khó, Hà Nội trong lành với những nụ cười hồn hậu. Cũng cảnh xếp hàng nhưng vui vẻ và trật tự, cũng “ô phố bàn cờ, xe như mắc cửi” nhưng không ai cố hơn nhau dù chỉ là nửa bánh xe như cái thời hiện đại ô tô và điện thoại cảm ứng. Hà Nội từng chứng kiến cảnh xô bồ đến xấu hổ khi cả nghìn sinh viên cùng nhau cướp hoa trong Lễ hội hoa anh đào. Các nhà đạo đức, văn hóa, quản lý đau đầu bàn cãi, truyền thông lên án. Tưởng sau lần ồn ào đó sẽ chấm dứt, nhưng rồi sau một thời gian ngắn lại vẫn… tiếp diễn, hết tranh cướp sách trong hội chợ sách cho đến tranh cướp áo mưa tại một sự kiện do một Đại sứ quán tổ chức. Ngẫm lại mới thấy, cái thói quen khó bỏ của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng là thích những thứ không phải bỏ tiền ra mua, cho dù nếu có mua cũng chẳng đáng là bao. 

Nhiều người Việt khi ra nước ngoài về than vãn rằng, ở nhiều siêu thị Nhật Bản có đề biển cấm ăn cắp bằng tiếng Việt. Nhiều nơi công cộng ở Hàn Quốc cũng đề biển tiếng Việt cấm xả rác bừa bãi. Còn hình ảnh mà những người đi du lịch Thái Lan vẫn thường thấy trong rất nhiều nhà hàng khách sạn là tấm biển cảnh báo thực khách không lấy quá nhiều đồ ăn  rồi bỏ phí, nếu không sẽ bị phạt. Thậm chí, nhà vệ sinh ở nơi này cũng đề biển cảnh báo không dẫm chân lên bồn cầu bằng tiếng Việt. Những tấm biển trên chính là nỗi buồn cho những ai còn biết xấu hổ. Và tất thảy những chuyện dở khóc dở cười kia là minh chứng cho thấy, phát triển kinh tế xã hội không đồng nghĩa với việc phát triển văn hóa và văn minh. Những hiện tượng tiêu cực gần đây nảy sinh là những vấn đề đáng báo động, không chỉ tạo ra hình ảnh xấu, nếp nghĩ xấu, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh một thành phố có bề dày văn hóa, lịch sử cả nghìn năm.

Đào thải “thảm họa” cách nào?

Trước sự xuống cấp về văn hóa, Sở VH-TT&DL Hà Nội đang bắt tay vào xây dựng Đề án “Hệ thống quy tắc ứng xử ở cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội”. Đề án này được xem như một quy định với quy mô rộng, trước mắt, tập trung xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử tại trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư, nơi công cộng và cơ quan hành chính. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, từ lâu đã có những bộ quy tắc ứng xử, ví như quy tắc ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cơ quan công quyền với người dân… Trong quá trình toàn cầu hóa, việc xây dựng một hệ thống quy tắc ứng xử trong các môi trường giao tiếp của Hà Nội để hình thành một bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống và mang nét hiện đại là một việc làm cấp thiết. 

Trước mắt, dự án này sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu đánh giá thực trạng và phát hiện vấn đề trong ứng xử tại một số cơ quan công quyền, tổ chức kinh doanh, trường học, bệnh viện… cùng với việc nghiên cứu và so sánh hệ thống quy tắc ứng xử ở một số quốc gia trên thế giới, những nước có nền văn hóa tương đồng, từ đó xây dựng và đề xuất hệ thống quy tắc ứng xử đối với từng đối tượng. Bước tiếp theo sẽ đề xuất bộ khung tiêu chuẩn đối với mỗi đối tượng khách thể nghiên cứu, đề xuất các điều kiện thành công khi triển khai cũng như các biện pháp, chế tài nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai cho từng trường hợp cụ thể. Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lợi, việc đưa bộ “Hệ thống Quy tắc ứng xử” của người Hà Nội vào cuộc sống là rất cần thiết, song không thể nóng vội. Nếu người dân chấp nhận hệ thống quy tắc ứng xử một cách khiên cưỡng đồng nghĩa với ý tưởng này thất bại. Theo kế hoạch, giữa năm 2014, Sở VH-TT&DL Hà Nội sẽ công bố dự thảo và chính thức ban hành “Hệ thống Quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” vào năm 2015. Những “người trong cuộc” hy vọng đưa ra những tiêu chí được số đông đánh giá là chuẩn mực, sau đó tuyên truyền, vận động để các chuẩn mực ấy dần thành nếp nghĩ, chuyển thành hành động của người dân.