Nâng cao hiệu quả Cơ quan Thanh tra Nhà nước trong Công an nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Nghị định 25/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 41/2014 về tổ chức và hoạt động Thanh tra CAND, từ 20-5, một số cơ quan Thanh tra Nhà nước trong CAND sẽ giải thể như: Thanh tra Tổng cục; Thanh tra Bộ Tư lệnh; Thanh tra Cảnh sát PCCC cấp tỉnh...

Nghị định 25/2021/NĐ-CP quy định, từ 20-5, hệ thống Cơ quan Thanh tra Nhà nước trong CAND chỉ còn Thanh tra Bộ Công an (Thanh tra Bộ); Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Thanh tra Công an tỉnh); Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.

Ở các cơ quan, đơn vị không có tổ chức thanh tra thì Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật. Đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên, bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách; quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ, bố trí cán bộ thanh tra kiêm nhiệm.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định trong hoạt động thanh tra hành chính trong CAND.

Về thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính theo kế hoạch, Nghị định số 25/2021/NĐ-CP quy định căn cứ kế hoạch thanh tra đã được Thủ trưởng Công an có thẩm quyền phê duyệt, Chánh Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Đối với những lĩnh vực, vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị, địa phương, Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Về thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính đột xuất, với lĩnh vực, vụ việc phức tạp liên quan đến trách nhiệm quản lý của Công an nhiều đơn vị, địa phương, Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Đối với lĩnh vực, vụ việc đặc biệt phức tạp liên quan đến nhiều cấp, ngành, trong đó trách nhiệm của Công an là chủ yếu, Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Ngoài Nghị định 25/2021/NĐ-CP, từ 20-5, quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương được Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 01/2021/TT-BCT cũng có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Khoản 2 Điều 1 Thông tư 01/2021/TT-BCT bổ sung phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực Công Thương gồm giám định tư pháp về các vấn đề chuyên môn thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương gồm: Năng lượng; Hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; Công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ; An toàn kỹ thuật công nghiệp; An toàn thực phẩm…

Về thời hạn giám định tư pháp, Thông tư 01 quy định, tối đa 3 tháng đối với các trường hợp quy định tại Điều 2a của Thông tư này, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này.

Trường hợp giám định vụ việc có từ 2 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực công thương quy định tại Điều 2a của Thông tư này trở lên, hoặc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng;

Thời hạn tối đa là 9 ngày đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định quy định tại khoản 5 Điều 206 Bộ luật TTHS 2015; Tối đa 1 tháng đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định quy định tại khoản 6 Điều 206 Bộ luật TTHS 2015.