Nâng cao chất lượng thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường, căn cước công dân

ANTĐ - Sáng 20-3, ông Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP- AN) của Quốc Hội (QH), dẫn đầu đoàn công tác khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường, căn cước công dân của CATP Hà Nội.
Cùng làm việc với CATP Hà Nội có đại diện lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát PCTP Bộ Công an; Cục Cảnh sát PCTP về môi trường; Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu Quốc gia về dân cư; Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên - Môi trường; Vụ Chính sách Pháp chế - Tổng cục Môi trường; các Vụ Quốc phòng và Quốc phòng An ninh - Ủy ban QP-AN của QH; Đoàn ĐBQH Hà Nội và các sở, ban, ngành có liên quan của thành phố trong các lĩnh vực thực hiện chính sách pháp luật về môi trường, căn cước công dân. 
Chủ trì buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Khoa nêu rõ: “Uỷ ban QP - AN của QH có trách nhiệm thẩm tra các dự án Luật về căn cước công dân và Pháp lệnh về Cảnh sát môi trường, để đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật trong 2 lĩnh vực này, tìm ra những vướng mắc, tồn tại và kiến nghị giải quyết, khắc phục. Việc khảo sát nhằm tạo cơ sở thực tiễn giữa các cấp, ngành, để thẩm tra trình QH thông qua các dự án Luật. Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, các cơ quan liên quan báo cáo nội dung về thực hiện chính sách pháp luật về môi trường, căn cước công dân và đưa ra những kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung những vấn đề tồn tại trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
chủ trì buổi làm việc với CATP Hà Nội 

Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Được sự ủy nhiệm của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc CATP báo cáo đoàn khảo sát kết quả thực hiện chính sách pháp luật về môi trường và đánh giá vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn diễn ra phổ biến, tập trung ở các lĩnh vực ô nhiễm môi trường tại các địa bàn, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và đời sống xã hội; trong các khu dân cư, sông hồ trên địa bàn thành phố. Vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm diễn ra phổ biến trong các khâu chế biến, kinh doanh dịch vụ, tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. 

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội làm rõ thêm những nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường, căn cước công dân của CATP Hà Nội

Tình hình thu gom, vận chuyển xử lý không triệt để, không đúng quy định pháp luật các loại chất thải nguy hại đang là mối lo ngại, nhất là rác thải tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân và trạm y tế cơ sở, các khu công nghiệp, nhà máy lớn. Việc khai thác tài nguyên cũng đang diễn ra phức tạp trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh cát trái phép dọc các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ; khai thác nước ngầm ở các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, biến đổi dòng chảy, sạt lở đê điều, gây mất ANTT chung trên địa bàn. 

Công an Hà Nội đang thực hiện công tác điện tử hóa tàng thư căn cước công dân

Trước tình hình trên, CATP Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện các chuyên đề đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường. Song song với biện pháp đấu tranh, phòng ngừa những vi phạm về môi trường, CATP Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho đại diện các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, các phương thức, thủ đoạn hoạt động, hậu quả, tác hại của các loại tội phạm và vi phạm về môi trường, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác tự phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm nói chung, tội phạm và vi phạm về môi trường nói riêng trong nhân dân. 
Bên cạnh đó, CATP Hà Nội đã chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường. CATP Hà Nội đề nghị Uỷ ban QP - AN của QH kiến nghị QH nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Luật hóa các tội danh môi trường cụ thể, xác định chủ thể của tội phạm môi trường; nâng cao chế tài xử lý, kể cả xử lý hình sự và xử lý hành chính để đủ sức phòng ngừa, răn đe tội phạm. Xây dựng ban hành các văn bản pháp luật tránh mâu thuẫn, tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng sơ hở hoạt động phạm tội.

Điện tử hóa tàng thư, căn cước công dân

Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về căn cước công dân (CCCD), Thiếu tướng Trần Thùy thông báo, công tác triển khai dự án điện tử hóa tàng thư CCCD đang được CATP thực hiện. Bước đầu đã đưa vào sử dụng tra cứu xác minh trên cơ sở dữ liệu điện tử, kết quả được nâng cao, thời gian tra cứu nhanh hơn. Công an Hà Nội đã tổ chức thí điểm triển khai cấp CMND mới 12 số ở 4 đơn vị quận, huyện và phòng nghiệp vụ, lưu trữ được trên 106.000 trường hợp. Hiện nay, CATP đang triển khai thu thập thông tin quản lý hộ khẩu, nhân khẩu để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Dự kiến đến hết tháng 6-2014, nhập xong dữ liệu về thông tin nhân khẩu, hộ khẩu ở Công an các quận và tháng 12-2014, nhập xong trên toàn thành phố.

Về công tác cấp, quản lý CMND, Thiếu tướng Trần Thùy cho biết, CATP Hà Nội đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn xuống từng xã, phường, thị trấn, trường học cấp CMND cho công dân. Đối với các trường hợp già yếu, ốm đau, nằm bệnh viện, gặp khó khăn trong đi lại, cán bộ Công an có trách nhiệm đến tận nhà hoặc bệnh viện cấp CMND. Hiện tại, bộ phận cấp CMND của Công an Hà Nội được bố trí làm việc tại 31 địa điểm; số lượng và chất lượng cơ sở vật chất, vật tư phương tiện cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc.

Những kiến nghị xác đáng

Đại diện đoàn khảo sát của Uỷ ban QP - AN của QH đã đề nghị CATP Hà Nội làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến những kiến nghị của lực lượng Công an về Luật CCCD. “Cần có những kiến nghị xác đáng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới” - ông Nguyễn Kim Hồng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban QP - AN của QH nêu ý kiến và đề nghị Công an Hà Nội có những kiến nghị phù hợp với thực tiễn công tác và cụ thể trong từng lĩnh vực về môi trường và CCCD. Ông Nguyễn Kim Khoa đề nghị Công an Hà Nội thể hiện rõ quan điểm về những vấn đề cần kiến nghị trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường và CCCD. 
“Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường có những vấn đề gì chồng chéo, cần tháo gỡ? Cần phân biệt rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của Cảnh sát môi trường và các ngành chức năng? Chức năng xử lý các vi phạm về môi trường cũng phải rõ ràng, cụ thể…” - ông Nguyễn Kim Khoa chỉ ra những vấn đề như thẩm quyền áp dụng nghiệp vụ trong phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường có khó khăn gì? Trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong quản lý, xử lý các làng nghề ô nhiễm môi trường hiện nay ra sao?... Và những vấn đề liên quan đến tổ chức biên chế của lực lượng Cảnh sát môi trường hiện nay, đã đáp ứng yêu cầu hay chưa?
Đánh giá cao việc thực hiện chính sách pháp luật về CCCD, nhất là việc triển khai điện tử hóa tàng thư CCCD của CATP Hà Nội, Chủ nhiệm Uỷ ban QP - AN của QH Nguyễn Kim Khoa đặt vấn đề có nên xóa bỏ việc cấp sổ hộ khẩu và việc cấp CMND, thẻ căn cước có bắt buộc người dân thực hiện không và có phù hợp với Hiến pháp năm 2013 hay không?... nhằm đảm bảo quyền công dân và quyền con người! Theo sự chỉ định của đồng chí Giám đốc CATP, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP và đại diện các phòng nghiệp vụ Cảnh sát môi trường, Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH - CATP Hà Nội đã làm rõ hơn và giải đáp những đề nghị của đại diện đoàn khảo sát, đồng thời nêu rõ những kiến nghị xung quanh lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường và thực hiện chính sách pháp luật về CCCD.
“Cần nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính về môi trường; đối với những hành vi cụ thể, phải có mức xử phạt tương xứng và hạn chế các văn bản dưới luật, để luật sớm đi vào cuộc sống” - Đại tá Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị. Về ý kiến khi có số định danh, cần cấp phát số hộ khẩu hay không? Đại tá Đỗ Đức Quang, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho rằng, hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu quản lý dân cư dùng chung, nên sổ hộ khẩu vẫn cần thiết cho công tác quản lý hành chính.

Nhiều đổi mới có tính đột phá

Sau khi đại diện các Sở Tư pháp và Tài nguyên - Môi trường thành phố cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chức năng với CATP Hà Nội trong lĩnh vực thực hiện chính sách pháp luật về môi trường, CCCD, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc và toàn thể CBCS - CATP Hà Nội cảm ơn sự quan tâm theo dõi, chỉ đạo và góp ý vào từng lĩnh vực công việc của CATP của đoàn khảo sát Uỷ ban QP - AN của QH. Đồng chí Giám đốc CATP giải thích thêm một số vấn đề đoàn khảo sát cần làm rõ, liên quan đến mô hình tổ chức biên chế của lực lượng Cảnh sát môi trường hiện nay và kiến nghị mô hình cấp Phòng nên tổ chức ở cấp tỉnh, thành phố, còn cấp Đội tổ chức theo từng khu vực, địa bàn. 

Khẳng định việc “điện tử hóa tàng thư, CCCD, quản lý dân cư không ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người và những bí mật đời tư của mọi công dân”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nêu rõ hiệu quả công tác này đã làm giảm 30% khối lượng công việc và tăng độ chính xác cao. Xuất phát từ thực tiễn công tác, CATP Hà Nội đề xuất Bộ Công an cho thực hiện thí điểm công tác này. Thông báo, bắt đầu từ ngày 20-3, CATP Hà Nội chính thức triển khai cho công dân khai báo làm thủ tục xuất, nhập cảnh qua mạng internet, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết việc nhập dữ liệu dân cư vào hệ thống máy tính được CATP Hà Nội thực hiện bằng các giải pháp bí mật, an toàn với độ chính xác cao. 

Đoàn khảo sát của Uỷ ban QP - AN của QH thăm quan nơi tiếp nhận và thu thập dữ liệu dân cư của Công an Hà Nội

Vấn đề có nên để công dân sử dụng một loại giấy tờ căn cước và tiến tới xóa bỏ cấp phát hộ khẩu khi đã có số định danh, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho rằng hai vấn đề trên đều bỏ được, để cải cách thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, phải có cơ sở dữ liệu dùng chung mới bỏ và trước đó cần nghiên cứu kỹ. Nêu quan điểm cần có 1 loại giấy tờ để quản lý công dân, đồng chí Giám đốc CATP cho rằng nên dùng thẻ CMND dưới dạng điện tử và quan trọng là thẻ được chế tạo để chống làm giả và tích hợp được với các loại phương tiện, thiết bị phục vụ công tác nhập cơ sở dữ liệu.
Thay mặt đoàn khảo sát, ông Nguyễn Kim Khoa đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị và các mặt công tác đang được triển khai của CATP Hà Nội có nhiều đổi mới và mang tính đột phá. Đoàn khảo sát ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Công an Hà Nội và tập hợp để phối hợp với các cơ quan soạn thảo, sửa đổi luật, pháp lệnh xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết, cụ thể, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và quản lý dân cư trong tình hình mới. 
Kết thúc buổi làm việc, đoàn khảo sát của UB QP - AN của QH đã thăm quan nơi tiếp nhận và thu thập dữ liệu dân cư của Công an Hà Nội.