Nạn “phong bì” trong ngành y Trung Quốc

ANTĐ - Cuộc điều tra vụ bê bối tham nhũng và đưa hối lộ hàng trăm triệu USD của các nhân viên tập đoàn dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) ở Trung Quốc đã làm lộ rõ những khoảng tối trong hệ thống y tế nước này. 

Cảnh tượng đông đúc tại một bệnh viện ở Bắc Kinh

Nhận tiền, thái độ khác hẳn

Anh Hoàng Đông Lương sống ở thành phố Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. Sau khi người chú được chẩn đoán mắc ung thư phổi, anh đã đưa chú tới một bệnh viện công ở thành phố Hạ Môn lân cận với hy vọng sẽ được điều trị tốt hơn. Nhưng sau 12 ngày nhập viện, bác sĩ tỏ ra dửng dưng và gần như không đưa ra lời tư vấn nào hữu ích cho người bệnh. Đến khi gia đình anh bỏ 3.000 nhân dân tệ (480USD) vào phong bì rồi đưa tận tay bác sĩ, thái độ của ông này thay đổi hẳn. “Chúng tôi có thể cảm nhận rõ sự khác biệt. Kể từ khi nhận phong bì, bác sĩ thăm khám bệnh nhân thường xuyên hơn, không những tư vấn cách điều trị mà còn đưa ra hẳn một kế hoạch chi tiết hóa trị liệu”, anh Huang cho biết.

Các khoản chi phí không chính thức như vậy rất phổ biến trong hệ thống y tế của Trung Quốc. Do lương thấp và ngân sách y tế không đủ khiến các bác sĩ, y tá và nhân viên quản lý tìm cách kiếm sống bằng cách nhận tiền hối lộ từ bệnh nhân và các hãng dược phẩm. Vụ các nhân viên tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh bị cáo buộc mua chuộc bác sĩ Trung Quốc để kê đơn thuốc của hãng đã thu hút sự chú ý của quốc tế đối với luồng tiền bất hợp pháp này. Nhưng đối với người dân Trung Quốc, chuyện này không phải xa lạ gì. 

Tiền “ngoài luồng” gấp 10 lần lương

Theo mức chi trả hiện nay do nhà nước quy định, một bác sĩ có kinh nghiệm tại Trung Quốc có thể kiếm được 6.000 tệ (980USD) một tháng. Mức thu nhập này được cho là cao đối với nhiều nhân viên y tế Trung Quốc nhưng chỉ bằng mức thu nhập trung bình của một công nhân làm việc ở thành phố. Trong khi đó, giá một căn hộ diện tích 100m2 ở Thủ đô Bắc Kinh có thời điểm lên tới hơn 6 triệu NDT (khoảng 1 triệu USD). 

Do đó, các bệnh viện tăng thêm phụ phí vào giá thuốc, còn bác sĩ và các nhân viên y tế khác nhận tiền để đưa bệnh nhân vào danh sách chờ đợi phẫu thuật hoặc tạo điều kiện để họ gặp được thầy thuốc tốt hơn. Bên cạnh đó, các bác sĩ, nhà quản lý cũng nhận “tiền lại quả” từ các công ty dược phẩm để kê thêm các loại thuốc đắt tiền hoặc sử dụng chúng thường xuyên hơn. Tình trạng hối lộ bác sĩ cũng khiến quy trình điều trị bị méo mó do việc làm dụng quá nhiều thuốc đắt tiền. 

Theo tờ Shanghai Evening Post, năm ngoái, 39 nhân viên y tế tại một bệnh viện ở thành phố Cao Châu, miền nam nước này, và 5 nhân viên kinh doanh của các hãng dược phẩm bị dính líu đến vụ nhận “tiền lại quả” để kê nhiều thuốc cho bệnh nhân. Hậu quả là giám đốc bệnh viện trên bị sa thải còn các nhân viên phải trả lại số tiền 5,8 triệu NDT (950.000USD) thu không phù hợp. “Đối với các nhà cung cấp thuốc, để được bệnh viện bán nhiều thuốc hơn, họ sẽ tìm cách liên hệ trực tiếp với các bác sĩ. Trong một bệnh viện có 1.000 nhân viên thì 1/3 trong số đó nhận tiền lại quả”, vị giám đốc trên nói. Theo chuyên gia    Gordon Lưu tại trường Đại học Bắc Kinh, số tiền ngoài lương mà các bác sĩ và nhân viên y tế nhận được ước tính từ 30% tới gấp 10 lần lương của họ. 

Giá thuốc tăng vì chi phí hối lộ 

Trong vụ bê bối tại GSK, tháng trước, Bộ Công an Trung Quốc đã bắt giữ 4 giám đốc điều hành của GSK và một số nhân viên với cáo buộc liên quan đến việc đưa hối lộ tổng cộng 3 tỷ nhân dân tệ (484 triệu USD) cho các quan chức chính phủ, hiệp hội y tế, bệnh viện và bác sĩ nhằm mục đích mở rộng thị phần của GSK ở Trung Quốc và tăng giá bán thuốc. 

Tân Hoa xã trích dẫn cuộc phỏng vấn một người đàn ông họ Lí, người mà theo hãng tin này là một giám đốc bán hàng của GSK chịu trách nhiệm bán các loại thuốc điều trị bệnh hô hấp cho hơn 10 bệnh viện ở Trịnh Châu. Trong đó ông Lí nói rằng GSK Trung Quốc ấn định phải tăng doanh số bán hàng 30% mỗi năm, một mục tiêu mà chỉ có thể đạt được bằng cách thúc đẩy bác sĩ kê nhiều thuốc hơn nếu số lượng bệnh nhân không tăng. 

Tình trạng tham nhũng trong hệ thống y tế tại Trung Quốc ngày càng khiến người dân mất niềm tin vào bác sĩ, y tá và bệnh viện. Lý giải về tình trạng trên, nhiều người đổ lỗi cho hệ thống y tế Trung Quốc khi gần như tất cả các bệnh viện tại nước này đều do nhà nước quản lý nhưng ngân sách dành cho y tế lại rất eo hẹp. Trong khi đó, phần lớn trong tổng số 2,3 triệu bác sĩ đều là người làm công ăn lương. “Các bác sĩ được trả lương thấp nên họ tìm cách kiếm thêm từ bên ngoài”, chuyên gia Gordon Liu tại trường Đại học Bắc Kinh phân tích.