Nạn nhân của truyền thông

ANTĐ - Tôi là người nghiền báo giấy và báo mạng, ở đó cho mình biết nhiều thông tin, cập nhật những kiến thức mà thời đại toàn cầu hóa mới được cơ hội… Nhưng thú thật lắm lúc ngán ngẩm vì truyền thông nước nhà lúc thì đao to búa lớn, lúc thì tủn mủn xía vô chuyện vặt...

Chẳng phải thống kê thì ai cũng biết đến những cái tên đang bị báo chí biến thành nạn nhân của truyền thông. Trời ạ, báo chí không còn gì viết nữa sao, bao nhiêu chuyện bà con ta đang lăn lưng kiếm sống, bão lụt, chuyên đất đai còn nhiều bức xúc, chuyện đây đó hành dân… Nhất là việc giữ gìn biển đảo, bảo vệ Tổ quốc. Đây là công việc rất cần có chiến lược, có bài bản để truyền thông góp phần nâng cao ý chí và lòng yêu nước của các thế hệ người Việt. Có nước láng giềng họ có hàng chục tờ báo chuyên về biển đảo, ngày đêm chỉ mỗi việc nói lấy được theo phương châm “lộng giả thành chân”.

Gần đây báo chi um lên một bà Tưng nào đó mà bao giấy mực nói đi nói lại. Một nụ hôn xúc cảm ngẫu hứng trên sân khấu thì quy cho là đồng tính. Một giọng hát nhí Quang Anh lại bị người ta mang ý đồ “người lớn” áp vào nên mất cả cái hồn nhiên con trẻ…

Truyền thông còn bị hội chứng “ném đá”, một báo nói thì nhiều báo hùn vào đẩy chuyện lên động trời. Có cả chuyện liên minh để “oánh” một đơn vị nào đó, một người nào đó. Một chuyện nghe phong thanh chưa điều tra thực hư đã phóng ra như thật. Một báo nói, nhiều báo nói, lại thành ra chuyện thật. Ngay như cái vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương, báo chí thông tin ầm ầm xe chữa cháy dân gọi 2 tiếng mới tới hiện trường, nhưng mà bên ngành viễn thông rà soát các cuộc gọi đến Sở CSPCCC thì cho thấy chỉ sau khi cuộc gọi đến 5 phút, xe chữa cháy đã đến hiện trường. Thông tin mà thế thì biết đường nào mà lần.

Làm báo sự tôn trọng sự thật là việc cốt lõi, nếu sự thật chưa tiện nói thì không thể bớt xén một nửa sự thật làm cho bạn đọc hiểu sai lạc cái vốn có, tức là đã nói dối. 

Trong một bức thư gửi trí thức Nam bộ, trong đó có các nhà báo, (thư đề ngày 25/5/1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà…”. Lời Bác từ ngày kháng chiến chống Pháp mà đến nay vẫn là cẩm nang cho những nhà báo chúng ta.

Dù có là thời mở cửa, thời bùng nổ thông tin thì truyền thông hãy là người bạn tin cậy của nhân dân, của người đọc. Đừng vì “câu vưu”, vì bán báo, vì tiền mà thông tin vô bổ, sai lạc… Truyền như thế thì ai thông?