Nan giải xử lý vi phạm quảng cáo tấm lớn: Dỡ được một, dựng thêm hai

ANTĐ - Không còn hình ảnh băng rôn nhếch nhác, những hình thức trang trí cũ kỹ không phù hợp cảnh quan và sự văn minh hiện đại của Thủ đô, công tác tuyên truyền cổ động trực quan từng bước được đổi mới, bảng quảng cáo và biển hiệu đã được điều chỉnh theo quy định… đó là những thành công đáng ghi nhận của ngành văn hóa Thủ đô trong “Năm trật tự văn minh đô thị”. Để làm được những điều kể trên, nói thì dễ, nhưng làm cụ thể mới thấy khó. Bởi từ lâu nay vấn đề này đã nằm trong danh sách “phức tạp và nhạy cảm”.
Nan giải xử lý vi phạm quảng cáo tấm lớn: Dỡ được một, dựng thêm hai ảnh 1

Sở VH-TT Hà Nội đang hoàn thành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời - cơ sở cho việc quản lý đi vào nền nếp

Vòng  tròn vi phạm tái phạm luẩn quẩn mãi

Sáng qua, Ban VHXH thuộc HĐND TP Hà Nội đã có cuộc làm việc với Sở VH-TT để làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật về quảng cáo. Hiện tại, Hà Nội có Quy hoạch quảng cáo tấm lớn tại Quyết định số 348/QĐ-UBND TP ngày 13-10-2012 với số lượng 525 vị trí. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, một số huyện cho doanh nghiệp lắp dựng công trình quảng cáo ngoài vị trí quy hoạch, không có giấy  phép xây dựng.

Trong nội thành, các doanh nghiệp lợi dụng Luật Quảng cáo quy định bảng quảng cáo dưới 40m2 không phải xin phép xây dựng đã liên kết với các tổ chức có đất trong khuôn viên để dựng bảng với hình thức như quảng cáo tấm lớn, thực hiện quảng cáo sai quy định. Các doanh nghiệp cũng liên hệ với UBND một số quận, huyện lập đề án tuyên truyền theo hình thức xã hội hóa khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép. Tính đến tháng 7-2015, có 131 bảng dạng một cột không  phép. Trong đó, đa phần là các vi phạm như không phép, ngoài quy hoạch. Đặc biệt, 28 bảng quảng cáo tấm lớn ngoài quy hoạch tồn tại từ năm 2008 đến nay chưa xử lý xong.

Liên tục trong các năm 2013, 2014, Sở VH-TT Hà Nội đã có văn bản, cũng như trực tiếp làm việc với các quận, huyện để xử lý tháo dỡ triệt để các công trình quảng cáo tấm lớn xây dựng không phép, không đúng quy hoạch của thành phố. Đáng kể nhất có huyện Đông Anh, ngăn chặn xử lý triệt để 2 bảng tấm lớn dựng trái quy định trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Quận Bắc Từ Liêm tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ 3 bảng, huyện Quốc Oai tháo dỡ 1 và quận Hoàng Mai cưỡng chế tháo dỡ 2.

Thế nhưng, đến nay, tại quận Bắc Từ Liêm, quảng cáo tấm lớn tái phạm ở đúng vị trí vừa tháo dỡ mọc lên 2 bảng khác, thêm một bảng lắp trên hè đường. Các địa bàn Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Sóc Sơn đều phát sinh thêm bảng xã hội hóa lắp trong khuôn viên dự án, hè đường, dải phân cách… Dù Sở VH-TT nhắc nhở bằng văn bản, thậm chí làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND các quận, huyện, song  vẫn chưa có chuyển biến.

Nan giải xử lý vi phạm quảng cáo tấm lớn: Dỡ được một, dựng thêm hai ảnh 2

Lực lượng chức năng tháo dỡ biển quảng cáo trái quy định trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội

Chây ỳ, khó xử lý

Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết, trong khi các hoạt động quảng cáo khác dần đi vào nền nếp, 80% các vụ vi phạm đều đã được xử lý kịp thời thì quảng cáo tấm lớn vẫn còn nhiều tồn tại. Ông Nguyễn Khắc Lợi đưa ra ví dụ về những khó khăn trong quản lý: 2h sáng huyện Đông Anh phát hiện một doanh nghiệp xây dựng biển quảng cáo không phép liền triển khai các lực lượng đến lập biên bản và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.

Doanh nghiệp cho dựng lều ăn ngủ tại chỗ, xe trộn bê tông sẵn sàng bên cạnh, 3-4h sáng lực lượng thanh tra và quản lý văn hóa về thì xây dựng tiếp, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Lại cũng có doanh nghiệp xây dựng biển quảng cáo sai phép, khi được yêu cầu dỡ bỏ thì chây ỳ. Để thì mất mỹ quan mà tháo dỡ không phải là việc của ngành văn hóa nhưng vẫn phải làm. Trong khi kinh phí để tháo dỡ các vi phạm này rất tốn kém.

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, vì quyền lợi trong quảng cáo quá lớn, dựng một cột lên có năm thu cả tỷ đồng. Chính vì thế một số doanh nghiệp bất chấp việc trái quy định vẫn cứ làm. Các Hiệp hội Quảng cáo luôn đứng về phía doanh nghiệp mà thiếu chia sẻ cùng các cơ quan quản lý Nhà nước, trong khi đó, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan như Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở TN-MT lại không rõ ràng.

Để tránh lách luật trong hoạt động quảng cáo, theo ông Tô Văn Động, cần phải quy về một đầu mối duy nhất quản lý đó là Sở VH-TT. Ông Tô Văn Động cũng đề xuất tiến hành thanh tra liên ngành, ra quân xử điểm những vi phạm. Xử lý công khai, mạnh tay… chính là giải pháp để đưa các hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo tấm lớn vào trật tự. Hiện tại, Sở VH-TT cũng đã hoàn thành xong “Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo” trình UBND TP phê duyệt. Bên cạnh đó, gấp rút hoàn thành Quy hoạch quảng cáo để việc quản lý đi vào nền nếp.

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Trưởng Ban VH-XH, HĐND TP Nguyễn Thị Thùy cho biết, bên cạnh những mặt tích cực mà ngành văn hóa đã đạt được, thời gian tới cần rà soát lại những tồn tại, trong đó có quảng cáo tấm lớn, những bảng chưa phù hợp quy hoạch, những bảng cũ nát chưa được tháo dỡ gây mất mỹ quan, bên cạnh đó xây dựng quy chế phối hợp hiệu quả, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, tham mưu cho UBND TP xây dựng kế hoạch tháo dỡ, cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình vi phạm.              

Từ đầu năm 2015 đến nay, Sở VH-TT Hà Nội đã kiểm tra, tháo dỡ 4.162 băng rôn, phướn vi phạm; Lập 85 biên bản và ra 85 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 52 doanh nghiệp, tổng số tiền phạt thu được 928 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đã xử phạt 92 trường hợp với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm dựng bảng quảng cáo không giấy phép, không thông báo nội dung thực hiện quảng cáo…