Nan giải ùn tắc giao thông khu vực trường học

ANTĐ - Sáng 5-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã có cuộc họp với Sở GD-ĐT và trường học của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bàn về chống ùn tắc giao thông. Trong khi các trường phổ thông đã triển khai tích cực nhiều biện pháp giải quyết tình trạng này thì cả 2 thành phố đều có kiến nghị về sự kém tích cực của khối ĐH, CĐ.
Nan giải ùn tắc giao thông khu vực trường học ảnh 1
Nhiều phản ánh trường ĐH, CĐ chưa tích cực vào cuộc giảm ùn tắc trong thành phố

Ghi hình bí mật tại cổng trường


Trung tá Phạm Văn Hậu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội cho biết hiện lực lượng CSGT đang duy trì hình thức ghi hình ở khu vực cổng trường THPT trên địa bàn Hà Nội. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã ghi hình được hơn 100 trường hợp vi phạm tại khu vực trường học. Những hình ảnh này được in ra đĩa để gửi về trường nhận diện học sinh. Hiện trường THPT Thăng Long đã thông báo nhận diện được 20 trường hợp để xử lý kỷ luật. Biện pháp này cho thấy có tác dụng tích cực bởi yếu tố bất ngờ, khiến học sinh phải tự giác thực hiện tốt hơn quy định về không đi xe máy phân khối lớn đến trường” - Trung tá Phạm Văn Hậu cho biết.

Bên cạnh đó, CSGT Hà Nội cũng tiến hành tuần tra phát hiện và đã xử lý 187 trường hợp vi phạm giao thông là học sinh, sinh viên và đang chờ phản hồi hình thức xử lý của nhà trường. Tuy nhiên, nói về khó khăn trong công tác này, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết, nhà trường đã phối hợp với CAP để kiểm tra, ghi hình tại các điểm trông xe gần trường nhưng chỉ được thời gian nhất định nên không thể chấm dứt hẳn tình trạng học sinh đi xe máy đến trường gửi điểm trông giữ xe ngoài nhà trường.

Nóng tại các điểm trường đại học

Sau hơn 2 tháng tiến hành đổi giờ học, giờ làm, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết về cơ bản các trường học từ mầm non đến THPT ở Hà Nội đã khắc phục được khó khăn ban đầu và ổn định học tập, đặc biệt là từ sau khi có điều chỉnh linh hoạt của thành phố trong việc thực hiện giờ đến trường và tan học thì không còn phản ánh gì về ảnh hưởng tới giờ giấc sinh hoạt của gia đình học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hiệp Thống đưa ra kiến nghị với Bộ GD-ĐT về việc chỉ đạo các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội phối hợp thực hiện giờ học mới. “Nhiều trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn thành phố không thực hiện nghiêm quy định về giờ học của thành phố trong khi sinh viên chiếm con số không nhỏ, có tới 640.000 học sinh, 40.000 cán bộ các trường mầm non, phổ thông phải thực hiện quy định này” - ông Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh.

Trung tá Phạm Văn Hậu cũng cho biết, Phòng CSGT -  CATP đã tiến hành khảo sát và đến từng trường ĐH, CĐ ở các khu vực giao thông quá tải như Đống Đa, Cầu Giấy có số trường ĐH nhiều nhưng chưa thực hiện nghiêm túc. “Nếu không kéo dãn được lượng người tham gia giao thông với chỉ đạo của các hiệu trưởng nhà trường tới học sinh, sinh viên thì sẽ rất khó khăn cho lực lượng CSGT trong việc giải quyết ùn tắc quanh khu vực trường học. Hiện các điểm Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy tập trung nhiều trường ĐH vẫn xảy ra ùn tắc...”. Ngoài ra, về nội dung đưa ATGT vào các chương trình giáo dục, đại diện Ủy ban ATGT TP Hà Nội cũng nhận định các trường ĐH, CĐ chưa có sự quan tâm đầy đủ.