Nan giải bài toán khó

ANTĐ - Suốt cả năm nay, hầu như chưa lúc nào ngớt tiếng phàn nàn, kêu ca của giới doanh nghiệp về tình trạng khó tiếp cận vốn ngân hàng vì lãi suất ngân hàng cao quá mà hàng tồn thì chất đầy quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Trong khi đó, thế chấp bằng hàng tồn kho để vay vốn là rất khó, doanh nghiệp cũng còn rất ít tài sản để thế chấp. Khơi thông vốn cho doanh nghiệp để vực dậy sản xuất, kinh doanh quả là bài toán hóc búa chưa thể tìm ra hướng giải chứ đừng nói tới đáp số.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp càng căng thẳng do áp lực tiêu dùng của thị trường tăng cao. Doanh nghiệp thiếu vốn chẳng khác gì cơ thể thiếu máu, song bản thân họ lại đang trong tình trạng vón “cục máu đông” - hàng tồn kho. Như vậy, khó khăn lớn nhất là giải phóng hàng tồn kho, việc tăng tín dụng để bổ sung vốn không hẳn là giải quyết khó khăn cho tất cả doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp ứ đọng lượng hàng lớn, nếu chấp nhận bán giảm giá cực mạnh, chịu thiệt doanh thu để tăng tiêu thụ thì vẫn có thể thu hồi vốn nhanh. Cần phải xem xét lại giá bán, thậm chí chịu thua lỗ để bán được hàng. Đặc biệt những sản phẩm đang thừa cung hoặc đã quá “đát”, càng cần bán nhanh để có vốn phục hồi sản xuất. Giải tỏa hàng tồn kho, theo tư vấn của các chuyên gia, không chỉ có con đường duy nhất là bán hàng - thu tiền, có thể linh hoạt hơn như trao đổi hàng, bán trọn gói. Không có gì là hoàn toàn tốt và hoàn toàn xấu.

Xác định được những rủi ro gắn liền với lợi ích để chấp nhận trong khả năng chịu đựng của doanh nghiệp là bài học giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho thấy, trong năm 2012 có ít nhất 30% doanh nghiệp bỏ thị trường, 70% hết sức khó khăn, phần lớn là thua lỗ. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, từ đầu năm đến nay có khoảng 50.000 doanh nghiệp bỏ thị trường, cộng với 49.000 doanh nghiệp năm ngoái thì có tới 100.000 doanh nghiệp bị phá sản hoặc giải thể chỉ trong 2 năm, tức là tương đương với một nửa số doanh nghiệp đã “khai tử” trong vòng 20 năm qua, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp. Trong tình thế này, Nhà nước đã có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đến nay đã có 190.000 doanh nghiệp được gia hạn thuế giá trị gia tăng với 11.000 tỷ đồng. Mỗi doanh nghiệp chỉ được gia hạn chưa tới 60 triệu đồng. Khoảng 71.600 doanh nghiệp được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp với 3.000 tỷ đồng, tính ra mỗi doanh nghiệp chỉ được gia hạn 42 triệu đồng. Thực chất đây chỉ là số thuế “tạm treo” và cũng như muối bỏ bể.

Để dòng vốn được khơi thông, doanh nghiệp và ngân hàng có mối quan hệ cộng sinh. Doanh nghiệp lao đao thì ngân hàng cũng gặp khó. Vì thế, để giải bài toán khó cần được nhiều bên chung tay gỡ khó, trong đó ngân hàng đóng vai trò then chốt. Điều cốt lõi là đồng vốn phải được sử dụng đúng địa chỉ, đúng đối tượng và đúng thời điểm giúp doanh nghiệp vượt sóng gió. Ngân hàng thừa vốn, thanh khoản tốt nhưng doanh nghiệp lại không tiếp cận được vốn và “đói” vốn dài. Rõ ràng cả hai bên đều phải hướng đến mục tiêu chung là giúp nhau vượt qua khó khăn để cùng tồn tại. Những khó khăn của cả doanh nghiệp và ngân hàng đã được cảnh báo ngay từ đầu năm nay. Chỉ còn gần một tháng là hết năm nhưng dường như đôi bên chưa tìm được tiếng nói chung, khó khăn vẫn bề bộn, bài toán khó xem ra vẫn nan giải.