"Nắn" dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên

ANTD.VN - Tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2017 có sự cải thiện so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản như nợ xấu, áp lực tăng lãi suất… níu kéo đà tăng trưởng của dòng tiền chảy vào nền kinh tế. 

“Đừng để đầu năm thong thả...”

Tại buổi làm việc với ngành ngân hàng ngay đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý ngay từ đầu năm và hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát cơ cấu tín dụng. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay trong quý I: “Đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả chạy dồn”.

Thông thường, theo quy luật hàng năm, quý I thường có mức tăng trưởng tín dụng chậm nhất, vì đây là thời điểm sau Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh. Mặt khác, những nhu cầu về mua sắm, đầu tư của khách hàng cá nhân cũng thường phải hết tháng 1 âm lịch mới khởi sắc.

Nhưng nhìn vào con số về tốc độ tăng trưởng tín dụng vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố có thể thấy, những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang được các ngân hàng nỗ lực thực hiện. Theo thống kê, tính đến ngày 20-2, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 1,23% so với cuối năm 2016, cao hơn nhiều mức tăng 0,33% của cùng kỳ năm 2016. Đây là tín hiệu để có thể kỳ vọng kế hoạch tăng trưởng cả năm 2017 sẽ hoàn thành, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù vậy, ý kiến từ một số chuyên gia cho rằng, tín dụng trong các tháng đầu năm vẫn chịu nhiều rào cản chưa được gỡ bỏ như việc tái cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; quá trình xử lý nợ xấu vẫn đang diễn ra chậm; áp lực tăng lãi suất do tác động từ các yếu tố bên ngoài.

Mặc dù nỗ lực đẩy vốn ra thị trường và tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, song đối với kế hoạch cho cả năm 2017, các ngân hàng vẫn thể hiện sự thận trọng. Sự dè dặt này cho thấy, nhiều ngân hàng không kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ có sự bứt phá mạnh so với năm ngoái. Tâm lý này đến từ việc cơ quan quản lý phát đi thông điệp tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung và dài hạn, đối với nhóm khách hàng lớn, lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT trong ngành giao thông.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho rằng, năm nay, nếu muốn kiềm chế lạm phát, sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngược lại, muốn cho tăng trưởng mạnh thì phải đẩy một lượng tiền vào lưu thông, như vậy việc kiểm soát lạm phát 4% là không dễ. Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, vấn đề xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngành ngân hàng, đưa lãi suất cho vay xuống thấp hỗ trợ doanh nghiệp... đang là những thử thách lớn.

Chất lượng mới là điều quan trọng

Lãnh đạo một số ngân hàng chia sẻ, thanh khoản hệ thống vẫn ở trạng thái dồi dào, song các ngân hàng lại khá thận trọng chưa bơm mạnh vào nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB): “Bản thân ngân hàng cũng lo ngại nợ xấu gia tăng nên hạn chế cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp quá khó khăn, chưa có dự án kinh doanh khả thi”. 

Đánh giá cao việc tốc độ tăng trưởng tín dụng giai đoạn đầu năm 2017 có sự chuyển biến tích cực, nhưng các ý kiến từ phía ngân hàng và chuyên gia đều cho rằng, điều quan trọng là chất lượng tín dụng chứ không nhất thiết phải chạy đua về số lượng.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, quan trọng nhất vẫn là chỉ số an toàn. Ngân hàng nào đạt các tiêu chuẩn về Basel II (các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng), ngân hàng đó có thể hưởng mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Nguyên nhân là cơ quan quản lý tiếp tục kiểm soát tín dụng cho vay với các lĩnh vực mang tính đầu cơ, đầu tư như chứng khoán, bất động sản. Tức là phải đưa tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, tín dụng chảy vào các lĩnh vực có tính chất đầu cơ như bất động sản cũng đã được các ngân hàng điều chỉnh. Năm 2014 tín dụng bất động sản chiếm 14% tổng dư nợ cho vay, đến năm 2015 chỉ còn 12,3% và đến cuối năm 2016 còn 10%.

Đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cho biết, riêng về cho vay kinh doanh bất động sản thuộc nhóm đối tượng mà các ngân hàng đang phải cẩn trọng cho vay, do đó VPBank đã điều chỉnh theo hướng giảm tỷ trọng một cách đáng kể. Năm 2014, cho vay kinh doanh bất động sản chiếm tới 30% tổng dư nợ của VPBank thì sau 2 năm đã giảm một nửa. 

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPCP Ngoại thương (Vietcombank) cho hay, trong tháng 1-2017, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt 4%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả, các dự án tốt... Song song với việc định hướng tăng trưởng tín dụng bền vững, Vietcombank cũng tập trung kiểm soát hiệu quả nợ xấu.

Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy cũng như “cởi mở” hoạt động cho vay, một số quy định mới được cơ quan quản lý đưa ra đang chuẩn bị có hiệu lực. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, Thông tư số 39/2016/NHNN quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực từ ngày 15-3 sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động cho vay của các tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu quản lý nhằm tăng chất cho hoạt động tín dụng.

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, với Thông tư 39 nêu trên và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3, chất lượng tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát tốt hơn. Theo đó, NHNN tách bạch các hình thức cho vay để có giải pháp ứng xử phù hợp cho từng “nhóm” khách hàng vừa đáp ứng kịp thời vốn vay, phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo giám sát chặt chẽ hiệu quả dòng vốn.  

Đại diện NHNN cho biết, Thông tư 39 quy định loại trừ vay phục vụ nhu cầu đời sống, khách hàng cá nhân vẫn có thể vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác. Đây được xem là quy định khá mở giúp cho cá nhân là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân có thêm cơ hội tiếp cận vốn vay để kinh doanh.