Nạn “bùng” cước và sim “rác”

(ANTĐ) - Thị trường mạng điện thoại di động ở Việt Nam hiện nay đang phát triển rất sôi động. Số lượng thuê bao được các mạng di động tung ra thị trường với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, dường như các mạng mới chỉ thi nhau chạy đua phát triển về số lượng mà chưa thật sự chú tâm đến chất lượng dịch vụ.

Mạng điện thoại di động tại Việt Nam:

Nạn “bùng” cước và sim “rác”

(ANTĐ) - Thị trường mạng điện thoại di động ở Việt Nam hiện nay đang phát triển rất sôi động. Số lượng thuê bao được các mạng di động tung ra thị trường với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, dường như các mạng mới chỉ thi nhau chạy đua phát triển về số lượng mà chưa thật sự chú tâm đến chất lượng dịch vụ.

Phát triển về số lượng nhưng cần quan tâm đến chất lượng

Phát triển về số lượng nhưng cần quan tâm đến chất lượng

Những con số đang suy ngẫm

Chỉ vài năm gần đây, số lượng thuê bao của các mạng di động đua nhau tung ra thị trường những đầu số mới. Chỉ tính riêng mạng Viettel hiện đang sở hữu tới 6 đầu số tức là có tới hơn 50 triệu thuê bao trong kho số của mình, con số đó của Mobifone là 5 đầu số với hơn 35 triệu thuê bao, của Vinaphone là 4 đầu số với khoảng 30 triệu thuê bao.

Viettel và Mobifone đều tự hào là có mức tăng trưởng cao, đạt tới 70.000-80.000 thuê bao/ngày. Tuy nhiên, việc quản lý kho số này quả là không dễ dàng. Với tình trạng tung kho số ra thị trường một cách tràn lan, các mạng di động nhanh chóng bị “cháy” kho số. Lí do bởi hàng ngày, có rất nhiều khách hàng mua sim khuyến mãi giá rẻ với tài khoản lớn dùng xong thì vứt đi.

Có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ tính riêng số lượng sim được bán ra đã đem đến cho các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động một khoản lợi nhuận khổng lồ. Có lẽ bởi vậy nên các nhà cung cấp mạng dường như chỉ chăm chăm chạy theo phát triển số lượng thuê bao mà sao nhãng việc quản lý cho tốt những thuê bao hiện có, cũng như là nâng cao chất lượng mạng của mình.

Từ sim "rác" đến "bùng" cước

Một thực tế dễ nhận thấy là, nếu mua một sim mới rẻ hơn nạp thẻ, thì sẽ có rất nhiều khách hàng chọn phương án dùng nhiều sim, dùng hết rồi vứt, gây nên tình trạng “sim rác”. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại di động lại không mấy bận tâm tới tình trạng này, vì khi khách hàng bỏ sim đi tức là khách hàng chấp nhận bỏ tiền ra mua một sim khác để sử dụng, thế là công ty lại có lợi nhuận mới.

Điều đó chẳng khác gì càng phát triển số lượng thuê bao thì các công ty càng lãi, còn đối với những người “chung thủy” một sim, nạp thẻ sử dụng tiếp thì công ty vẫn thu được lợi nhuận từ việc bán thẻ ... kiểu gì họ cũng có lãi. Đấy là chưa kể đến việc trừ cước nhập nhèm, trừ cước offline, gây ra nhiều bức xúc cho khách hàng.

Đối với các thuê bao trả sau, việc quản lý xem ra cũng không hơn gì. Hiện nay để đăng ký một thuê bao di động trả sau của Viettel, hàng chỉ cần mang bản sao CMND đến các đại lý của Viettel là có thể đăng ký sử dụng dịch vụ. Không cần bản sao hộ khẩu có công chứng, vì thế công ty chỉ nắm được phần ngọn tức là thông tin trên bản sao chứng minh thư nhân dân.

Bởi sự dễ dàng trong thủ tục đăng ký nên có nhiều người đã chọn dịch vụ thuê bao di động trả sau của Viettel. Tuy nhiên trong số đó có không ít người lợi dụng sự dễ dàng này để lừa đảo chiếm đoạt tiền sử dụng cước điện thoại di động. Nói cách khác đó là “bùng” cước thuê bao di động trả sau.

Một nhân viên của Vinaphone cho biết, đối với Vinaphone, có trường hợp “bùng” cước, nhưng không nhiều, vì khi đăng ký thuê bao trả sau của Vinaphone, khách hàng không chỉ phải nộp bản sao CMND mà còn phải nộp cả bản sao hộ khẩu có công chứng, nên công ty có thể quản lý thuê bao đó “chặt chẽ” hơn, và nếu có nhiều người “nợ” cước thì chắc chắn công ty đã phải đưa ra nhiều biện pháp khác!...Có lẽ các nhà cung cấp mạng coi phần hao hụt đó là không “đáng kể” nên hiện vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu nào nhằm ngăn chặn tình trạng này!

Cần cả chất lẫn lượng!

Thực tế, tuy không phổ biến nhưng trường hợp “bùng” cước thuê bao vẫn ngày ngày hiện hữu. Một phần trách nhiệm thuộc về nhà cung cấp dịch vụ, bởi đã không đem đến cho khách hàng của mình những dịch vụ tốt nhất. Những năm vừa qua chất lượng dịch vụ điện thoại di động ở Việt Nam đã có nhiều biến chuyển tích cực, nhưng chừng đó là chưa đủ. Thiết nghĩ các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động ở Việt Nam nên chú tâm hơn đến chất lượng dịch vụ. Việc nâng cao chất lượng phải được quan tâm như việc phát triển số lượng thuê bao. Có như vậy khách hàng mới an tâm sử dụng và gắn bó lâu dài với mạng.

Nguyễn Đệ - Thu Hà