Nam thanh niên tử vong do uống quá nhiều rượu, bác sĩ cảnh báo về thuốc chống say

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, các loại thuốc giải rượu, chống say rượu... hầu như không có tác dụng như quảng cáo nên không được lạm dụng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên xem kết quả một trường hợp bị tổn thương não do ngộ độc rượu

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên xem kết quả một trường hợp bị tổn thương não do ngộ độc rượu

Thông tin từ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm cuối năm như hiện nay, số ca ngộ độc rượu vào cấp cứu thường tăng mạnh do nhu cầu liên hoan, ăn uống tất niên… tăng vọt.

Mới đây nhất, một thanh niên 29 tuổi (ở tỉnh Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, suy thận, tiêu cơ vân nặng do ngộ độc rượu.

Theo lời kể, trước đó, nam thanh niên này uống rượu cùng bạn, uống rất nhiều nhưng không ăn uống gì rồi về nhà ngủ. Sáng hôm sau, gia đình gọi thì thấy không có phản ứng gì, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, chân tay lạnh, được đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu rồi chuyển lên Bạch Mai.

Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ hồi sức, lọc máu nhưng không hồi phục, gia đình xin về.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây chỉ là một trong số hàng chục trường hợp tử vong do ngộ độc rượu thông thường (rượu Ethanol), chứ không phải chỉ uống rượu pha cồn công nghiệp, rượu giả mới mất mạng.

Hầu hết bệnh nhân ngộ độc rượu dẫn đến tử vong là người trong độ tuổi lao động, phần lớn là thanh niên. Nguyên nhân tử vong thường gặp nhất là do uống nhiều rượu dẫn mức hạ đường huyết.

Bác sĩ Nguyên phân tích, thành phần Ethanol trong rượu sẽ gây hạ đường huyết, nếu uống rượu mà không ăn (tinh bột, đạm) gì thì càng khiến đường huyết giảm sâu. Ngoài ra, người uống quá nhiều rượu sẽ khiến thần kinh bị ức chế khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu, gây tổn thương não và tử vong.

Dịp Tết đang đến gần, việc tụ tập ăn liên hoan và có uống rượu khó tránh khỏi. Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, khi phải uống rượu, cách tốt nhất là ăn thêm tinh bột hoặc uống thêm nước trái cây, uống sữa, nữa canh, nước cháo loãng.... để bù năng lượng cho cơ thể.

"Với các loại thuốc giải rượu được hầu như không có tác dụng trong việc chống say, giải rượu như quảng cáo. Do đó cách tốt nhất là không lạm dụng rượu bia, nhất là trong thời điểm cận Tết nguyên đán"- bác sĩ Nguyên khuyến cáo.