Năm lạ lùng và đáng nhớ

ANTĐ - Tại cuộc họp báo đánh dấu kết thúc năm, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gọi năm 2011 là năm lạ lùng và đáng ghi nhớ với những biến động ở Trung Đông và châu Phi, cũng như phong trào “Chiếm lấy
phố Wall”.

Tình hình Ai Cập vẫn hết sức phức tạp. Ảnh: Internet

Đúng một năm trước, những biến động chính trị ở Tunisia đã bắt đầu cái mà phương Tây gọi là “Mùa xuân Arập” - một kiểu cách mạng đường phố dẫn đến thay đổi chế độ ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi. Từ Tunisia, làn sóng bất ổn này lan sang Ai Cập, Syria, Bahrain, Yemen, Libya… dẫn đến sự ra đời của một loạt chính thể mới.

Thế nhưng thời gian trôi đi mà sự ấm áp của “Mùa xuân Arập” vẫn chưa đến. Trước hết, “Mùa xuân Arập” không phải là làn sóng dân chủ như Mỹ và phương Tây cổ súy, mà là biến động xã hội dữ dội, nặng mùi khói súng, bom, đạn, điêu tàn, đau thương và chết chóc.

Ở nơi khởi nguồn của “Mùa xuân Arập” là Tunisia, thời kỳ chuyển tiếp hình thành các cơ cấu chính quyền mới vẫn song hành với đình công và biểu tình bất tận. Khi tham gia vào làn sóng dân chủ, người Ai Cập đã kỳ vọng một mùa xuân mới sẽ đến với đất nước sau khi chính thể của ông Mubarak bị lật đổ. Nhưng nay họ đã phải đối diện với một thực tế phũ phàng: Đất nước vẫn trong tình trạng rối loạn và suy thoái. Ở Libya, cuộc chiến đã kết thúc, thể chế của ông Gaddafi sụp đổ nhưng lực lượng đối lập nắm quyền thì nay mỗi người cát cứ một phương, đặt Libya trước nguy cơ li khai.

Không những thế, một lần nữa, máu lại đổ trên quảng trường Tahrir, nơi từng là trung tâm của “Mùa xuân Arập” tại Ai Cập. Ở Libya, nguy cơ nội chiến thì đã hiện hữu khi các tay súng đối lập không ai chịu ai. Tình hình ở Yemen, Tunisia cũng không sáng sủa. Cơn địa chấn chính trị đã không mở ra một kỷ nguyên tươi sáng ở Trung Đông và Bắc Phi. Ước mơ về một tương lai xán lạn đã trở nên quá xa vời và nhiều người dân đã vỡ mộng.

Không rầm rộ như “Mùa xuân Arập”, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” khởi đầu chỉ bằng cuộc tụ tập của một nhóm nhỏ người dân tại phố Wall, nơi được coi là trung tâm tài chính toàn cầu, để phản đối sự tham lam của giới chủ ngân hàng, nguyên nhân làm bùng lên “cơn lốc” khủng hoảng tài chính năm 2008, khiến không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới chao đảo. Ấy thế nhưng “đốm lửa nhỏ” phản kháng tưởng chừng chẳng gây hại giờ đã bùng thành đám cháy lớn lan khắp nước Mỹ, rồi vượt Đại Tây Dương tràn sang châu Âu, châu Á, vươn tới cả Australia...

Chỉ đơn giản bằng một khẩu hiệu “chúng ta là 99%”, hàm ý 99% số người dân thuộc diện nghèo, “Chiếm lấy phố Wall” đã trở thành một phong trào toàn cầu rộng rãi. Thậm chí theo Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, phong trào này đã đưa loài người đến một thời điểm thay đổi tất cả, khi những luật lệ cũ bị phá vỡ. Trong tiến trình công nghiệp hóa và toàn cầu nhanh chóng đã làm xuất hiện khoảng cách giữa các thành phần, đã có những người bị gạt ra ngoài lề và đã có bất bình đẳng giàu nghèo. Thực tế đó phải được xóa bỏ.

Năm 2011 còn chưa khép lại nhưng với những gì mà chúng ta chứng kiến, đó đúng là một năm lạ lùng và đáng ghi nhớ, như lời của ông Ban Ki-moon.