Năm học mới... vẫn cũ

ANTĐ - Chỉ còn hơn một tháng nữa, hàng triệu học sinh trên cả nước bước vào một năm học mới. Đổi mới giáo dục toàn diện từ chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên cho đến cơ sở vật chất đang làm “nóng” dư luận xã hội. Nạn dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan, chương trình học nặng nề, thi cử căng thẳng tạo áp lực lên học sinh và cả xã hội. Sắp vào năm học, nhiều người lo chạy trường, chọn trường. Suy cho cùng, đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục là làm sao để học sinh thích đến trường, khi ra trường có đủ năng lực vào các trường đại học hoặc dạy nghề.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, rộ lên ý kiến của một số ủy viên ủy ban của Quốc hội, chuyên gia giáo dục, giáo sư, nhà giáo bàn về đổi mới nền giáo dục nước nhà. Một giáo sư tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” không tán thành phải đợi đến năm 2015 mới bắt đầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa, mà quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi chương trình. Việc đổi mới chương trình dạy học có thể làm ngay nếu biết dựa vào các hội khoa học chuyên ngành. Các hội này sẽ chọn các chuyên gia giỏi kết hợp với giáo viên phổ thông nhiều kinh nghiệm để biên soạn các chương trình sao cho không chênh lệch nhiều so với chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Vị giáo sư này nhận xét, chương trình và sách giáo khoa ở nước ta vừa nặng, vừa thấp. Bắt học sinh nhớ những thứ không cần nhớ, học những thứ không cần học, sau đó quên hết.

Theo một số chuyên gia giáo dục, bên cạnh bệnh thành tích, những tiêu cực, hạn chế, việc dạy học vẫn tồn tại hàng chục năm phương pháp truyền thụ một chiều kiểu “đọc - chép”, hết sức thụ động, bóp nghẹt năng lực sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, những kiến thức không cần thiết cho học sinh vẫn bị nhồi nhét quá nhiều vào hầu hết các môn Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Sinh… trong khi, những kỹ năng sống rất cần thiết, giáo dục thể chất và sức khỏe thì bị coi nhẹ. Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, nhà giáo cùng chung nhận định: giáo dục nước ta khó có thể đổi mới chừng nào vẫn loay hoay xoay xở trong mô hình truyền thống với nhà trường khép kín theo công thức 2-4-8, tức là 2 bìa sách giáo khoa, 4 bức tường và 8 giờ giảng dạy hành chính quan liêu. Đích học hướng tới thi cử, bằng cấp, cho nên học sinh chỉ chăm chăm giành được tấm bằng để kiếm được việc làm tốt. Đổi mới giáo dục còn ngổn ngang hàng loạt vấn đề nan giải như lực lượng giáo viên, chất lượng dạy học, học phí, thiếu trường lớp… Đó là chưa kể tới việc đổi mới tư duy, triết lý giáo dục.

Một năm học mới bao giờ cũng mở ra niềm vui và hy vọng mới. Thật đáng tiếc, năm học mới vẫn có nhiều vấn đề cũ mà nền giáo dục nước ta chưa tạo được sự bứt phá thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn kéo dài đã quá lâu.