Năm học mới bậc Tiểu học: Bỏ giấy khen học sinh Giỏi, học sinh Tiên tiến

ANTĐ - Năm học mới, một thay đổi khá ngỡ ngàng với phụ huynh, học sinh, kể cả với giáo viên chính là việc bỏ danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến cho cả năm học. Học sinh sẽ chỉ có điểm kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm. Giáo viên sẽ phải chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang nhận xét. 

Học sinh tiểu học sẽ được tự đánh giá mình cũng như các bạn

Cần sớm đổi mới đánh giá tiểu học

Mục tiêu quan trọng nhất của việc đánh giá học sinh tiểu học hiện nay, theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT là để giúp cho học sinh học tốt hơn chứ không phải chỉ để ghi nhận kết quả học tập của học sinh vào cuối năm học. “Trước đây chúng ta cứ chờ đến cuối học kỳ, cuối năm học mới đánh giá học sinh, nếu không đạt thì cũng quá muộn để hỗ trợ học sinh. Nay muốn học sinh học tốt hơn thì phải quan tâm cả quá trình học tập của học sinh, đánh giá thường xuyên. Điều này có nghĩa, giáo viên phải thu thập số liệu, quan sát, phỏng vấn, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện, tư vấn cho học sinh nhận xét định tính về kết quả học tập của bản thân cũng như của bạn trong lớp...” - ông Phạm Ngọc Định phân tích.

Mặc dù Bộ GD-ĐT chưa chính thức ký Thông tư ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học nhưng ông Phạm Ngọc Định khẳng định, quy định này sẽ chính thức áp dụng trong năm học mới 2014-2015. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu bỏ cách xếp loại học sinh như hiện nay, đồng nghĩa sẽ không còn kiểu giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến cuối học kỳ hay cuối năm học. Thay vào đó là các hình thức khen thưởng thành tích mỗi mặt mạnh của học sinh. “ Không chỉ có giáo viên quyết định việc khen thưởng mà tất cả học sinh đều được tham gia vào việc khen các bạn trong lớp, phát huy tính dân chủ trong giáo dục” - ông Phạm Ngọc Định cho biết thêm.

Ông Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Ninh Bình khẳng định, cách đánh giá này rất nhân văn: “Không nên chùng chình trong việc triển khai nữa. Trước đây bậc tiểu học đã từng vận dụng cách đánh giá không so sánh học sinh này với học sinh kia mà chỉ so sánh với chính bản thân học sinh đó trong quá trình học tập, không hiểu vì sao lại không duy trì nữa”.

Không hiểu mà làm sẽ phản tác dụng

Trong buổi bàn luận về cách đánh giá mới do Bộ GD-ĐT tổ chức vào chiều 30-7, các chuyên gia tiểu học đều ủng hộ đổi mới này. Tuy nhiên, không ít các ý kiến cho rằng việc hướng dẫn phải được tiến hành sớm. “Phải có tập huấn kỹ trước khi triển khai. Giáo viên chưa hiểu mục đích cũng như cách thức mà đã áp dụng ngay thì sẽ dẫn tới hiệu quả ngược” – ông Dương Quốc Nam băn khoăn.

Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội cho rằng với các trường ở thành phố, mỗi lớp học có tới 50 - 60 học sinh sẽ khó khăn cho giáo viên để thực hiện được cách đánh giá này. Lượng học sinh đông, trong khi giáo viên phải sát với các em, ngày nào cũng phải nhận xét sẽ dẫn tới khả năng giáo viên sẽ ngại. “Hướng đổi mới này là rất tốt, nhưng đòi hỏi thầy cô phải có nghiệp vụ, thầy cô phải vượt khó, cha mẹ phải quan tâm tới con, không chỉ hỏi con mấy điểm, mà có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường, thầy cô giúp đỡ con, có vậy mới có sự chuyển biến” - TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

Ông Phạm Ngọc Định cũng thừa nhận còn nhiều ý kiến cho rằng, bỏ đánh giá bằng điểm giảm áp lực cho học sinh, tăng áp lực cho giáo viên nhưng việc đánh giá bằng nhận xét đã được yêu cầu từ trước, nay Bộ 

GD-ĐT chỉ cụ thể hoá bằng văn bản. “Băn khoăn nhất là việc giáo viên phải nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những nội dung đã làm được hoặc chưa làm được đối với từng học sinh và nhóm học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng giảm tải cho giáo viên khi yêu cầu giáo viên ghi vào sổ theo dõi mỗi tháng nhưng không phải tất cả, chỉ ghi những điều cần thiết nhất. Cô giáo đưa ra kế hoạch làm việc riêng với học sinh học kém, học sinh giỏi để đảm bảo 100% học sinh đạt mức độ tối thiếu. Ngoài việc nhận xét về kiến thức, cách làm này còn thể hiện tình cảm của cô giáo. Học sinh khi đọc nhận xét của giáo viên sẽ thấy được động viên vượt qua khó khăn của các em” - ông Phạm Ngọc Định phân tích.

Theo quy định mới, học sinh tiểu học sẽ được đánh giá sự tiến bộ và kết quả học tập theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Học sinh còn được đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực như tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề. Nội dung đánh giá còn bao gồm đánh giá phẩm chất học sinh cơ bản nhất như chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, trung thực, kỷ luâth, đoàn kết, yêu gia đình, bạn bè, yêu quê hương...