Nam giới mặc áo dài đến công sở: Tại sao lại khó vừa mắt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Nam nhân viên của tỉnh Thừa Thiên Huế đến công sở với bộ trang phục áo dài ngũ thân truyền thống, đầu đội khăn đóng, chân đi giầy Tây vào buổi chào cờ đầu tháng đang nhận được sự quan tâm của dư luận với những ý kiến cả khen lẫn chê



Bắt đầu từ ngày 7-9, các nhân viên đang làm việc tại Sở VH-TT Thừa Thiên Huế, cả nam và nữ đều mặc áo dài truyền thống. Nữ mặc áo dài màu tím đặc trưng có họa tiết hoa sen. Nam mặc áo dài ngũ thân có màu xanh đậm, quần trắng. Thậm chí, họ còn mang tấm thẻ bài mô phỏng theo kiểu xưa với 4 chữ nho là "Nguyên Phong Chấp Sự", tức là giữ gìn phong tục xưa.

Phụ nữ đi làm mặc áo dài đã không còn là chuyện hiếm nhưng nam mặc áo dài đến công sở thì có lẽ Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng. Tất nhiên, với một việc mới mẻ nơi công sở như thế đã nhận được không ít lời bàn ra tán vào.

Xôn xao cũng phải, vì mọi người thường quen với hình ảnh nam công sở mặc sơ mi, quần tây hoặc vest, chứ lâu lắm, không thấy cánh đàn ông mặc áo dài đi làm. Và vì thế, người ta mặc định cho rằng, áo dài thuộc về phái đẹp với vẻ thướt tha, dịu dàng.

Hình ảnh nam giới diện áo dài nơi công sở còn xa lạ với nhiều người

Hình ảnh nam giới diện áo dài nơi công sở còn xa lạ với nhiều người

Nam giới diện áo dài đi làm xem ra còn lạ lẫm, khó vừa mắt trong thời đại 4.0. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, áo dài nam bất tiện, chỉ mặc một chốc một nhát lúc làm lễ, chứ mặc cả ngày nơi công sở sẽ bức bối, khó chịu. Đặc biệt, cảm giác ấy sẽ tăng lên nếu phòng làm việc không có điều hòa hoặc những công việc phải ra đi lại vận động nhiều.

Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế lại khẳng định, mặc áo dài nam ngũ thân hoàn toàn thoải mái và dễ chịu. Bản thân ông cũng thường xuyên mặc áo dài nam trong suốt nhiều năm qua với các buổi ngoại giao tiếp Nhật hoàng Akihito, Đại sứ quán Mỹ... Các chính khách đều rất thích thú với trang phục truyền thống của người Việt và tôn trọng văn hóa lâu đời của Việt Nam. Hơn thế, chiếc áo này không phải một sáng kiến mới mẻ của Huế mà thế hệ ngày nay chỉ việc lấy từ kho tàng của cha ông đem ra sử dụng.

Theo ông Phan Thanh Hải, chiếc áo dài nam ngũ thân được sinh ra ở Huế với cuộc cải cách trang phục vào năm 1744 của chúa Nguyễn Khoát. Chiếc áo dài ngũ thân dành cho mọi tầng lớp trong xã hội bên cạnh lễ phục. Đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã đưa áo dài ngũ thân dành cho nam thành quốc phục và từ đó, nam giới từ Bắc tới Nam đều mặc, không phân biệt tuổi tác, chức sắc.

Việc khởi động lại mặc áo dài ngũ thân đối với nam giới ở nơi công sở, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế không phải hành động ngẫu nhiên mà là một hoạt động nằm trong đề án "Huế-kinh đô áo dài" nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ "quốc phục" từ bao đời nay. Đơn vị này sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng nhưng không áp dụng đối với những người thường đi ra ngoài làm việc. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị.

"Huế sẽ phục hồi áo dài nam và áo dài nữ, không chỉ có áo dài ngũ thân mà còn có áo dài truyền thống, áo dài cách tân. Phụ nữ mặc áo dài được thì không có lý gì đàn ông không làm được. Cứ đi rồi sẽ đến, đến một lúc nào đó, người ta sẽ nhìn về Huế rất hấp dẫn và đó là mục tiêu sâu xa để phát triển du lịch, kinh tế xã hội của tỉnh nhà", ông Phan Thanh Hải nói.

Nam giới mặc áo dài đi làm là một hoạt động trong đề án xây dựng Huế trở thành Kinh đô áo dài

Nam giới mặc áo dài đi làm là một hoạt động trong đề án xây dựng Huế trở thành Kinh đô áo dài

Trước những ý kiến trái chiều về áo dài nam nơi công sở, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt cho rằng, những người cho rằng, mặc áo dài nam nơi công sở sẽ bất tiện đều chỉ là võ đoán. Vì họ chưa mặc áo dài ngũ thân bao giờ và bị ám thị với áo dài sân khấu (áo dài khăn xếp của nghệ thuật chèo). Áo dài ngũ thân may theo đúng truyền thống rất gọn gàng, không bó chặt vào người hay lại rộng lùng thùng.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam muốn nhìn nhận câu chuyện mặc áo dài nam ở Huế theo góc độ tích cực hơn. Tức là, việc nam công chức Huế mặc áo dài ngũ thân sẽ làm cho mọi người nhìn về vùng đất này tò mò và thú vị, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và mang về nguồn lợi cho người dân nơi đây bằng cách tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập.

Đỗ Trịnh Hoài Nam còn chia sẻ, bản thân anh khi nhìn thấy nam giới mặc áo dài nơi công sở cũng cảm thấy không quen mắt. Trước đây, mặc áo dài trong một không gian khác. Ngày nay nếu muốn đem áo dài thành đồng phục công sở thì cần sự cải tiến, cách tân để phù hợp với bối cảnh, công việc hiện nay. Người Nhật mặc Kimono cũng có sự cách tân về mặt chất liệu, kiểu dáng phù hợp với thời hiện đại.

"Tuy nhiên, ý tưởng về việc xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài rất tuyệt vời. Cả nam và nữ cả Huế mặc áo dài vào mọt ngày nhất định tạo sự thú vị với khách du lịch. Cả nước sẽ nhìn vào Huế như một nơi gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông", nhà thiết kế này nói.

Trong khi việc nam công chức mặc áo dài đi làm tiếp tục nhận được những đóng góp, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, tỉnh chỉ khuyến khích các nhân viên diện áo dài vào một ngày nhất định trong tháng. Đây chưa trở thành quy định mang tính bắt buộc với người lao động.