Năm 2025, Việt Nam có ít nhất 5 công ty công nghệ giá trị từ 1 tỷ USD

ANTD.VN - Dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất 5 công ty công nghệ giá trị từ 1 tỷ USD.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam có nhiều doanh nghiệp "kỳ lân"

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang lấy ý kiến dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 đạt ít nhất 20% vào năm 2025, đạt ít nhất 40% vào năm 2030. Trong các ngành ưu tiên, tỷ lệ này đạt ít nhất 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.

Về chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo trong bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt vị trí thấp nhất thứ 50 vào năm 2025 và thứ 30 vào năm 2030.

Cũng tại hai mốc thời gian này, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đạt lần lượt vị trí là 40 và 30.

Đặc biệt, chiến lược đặt ra mục tiêu, có ít nhất 5 công ty công nghệ giá trị từ 1 tỷ USD (unicorn) vào năm 2025 và năm 2030, nâng số lượng công ty này lên 10 công ty. Các công ty này sẽ xuất khẩu sang các nước G7 hàng hóa, dịch vụ có sử dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc các công nghệ thế hệ tiếp theo như: 5G, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, phân tích dữ liệu…

Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đem lại lợi ích kinh tế rất đáng kể.

Đến năm 2030, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm từ 28,5-62,1 tỷ USD, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp, tương đương với 7-16% GDP so với kịch bản không tham gia.

Cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cấu trúc việc làm của nền kinh tế nhưng sẽ làm tăng ròng từ 1,1-1,3 triệu việc làm. Đến năm 2030, năng suất lao động tính bằng GDP/lao động sẽ tăng thêm từ 315-640 USD.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện nâng cấp, chuyển đổi công nghệ bao gồm: hành chính công, điện- nước, y tế, giáo dục, chế tạo, nông nghiệp, vận tải và kho vận, thương mại, thông tin và truyền thông, tài chính- ngân hàng.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương và UNDP năm 2018, 85% doanh nghiệp Việt Nam đang đứng bên ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ như: du lịch, lữ hành, thương mại, tài chính- ngân hàng, giáo dục, giao thông vận tải… có nhiều doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 hơn trong hoạt động kinh doanh.

Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh cũng sử dụng các công nghệ hiện đại này nhưng với quy mô và phạm vi hẹp.