Năm 2025: Thực hiện được mục tiêu về đường cao tốc, tạo đột phá về kết cấu hạ tầng của cả nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ sáng 6-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sự cần thiết đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Làm rõ các cơ chế đặc thù được đề xuất áp dụng trong thực hiện các dự án này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cơ chế đặc thù phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm nhất là trách nhiệm, giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, về sự cần thiết của các dự án với ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cho cả vùng và cả nước. Trong quá trình chuẩn bị, các cơ quan hữu quan đều nhất trí cao về chủ trương đầu tư tuy nhiên về hình thức đầu tư, phân kỳ đầu tư, huy động vốn, cơ chế chính sách đặc thù, tổ chức triển khai… là những vấn đề cần được bàn bạc, nghiên cứu, thống nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có rất nhiều buổi làm việc, phiên họp chính thức, các phiên làm việc ngoài giờ để cho ý kiến về các nhóm vấn đề này…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các dự án xem xét lần này được Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với các quy định hiện hành. Làm rõ các nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Ngân sách Nhà nước không có quy định về dùng ngân sách cấp này chi cho ngân sách cấp kia, trong khi đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, đường song hành vành đai thuộc trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn về ngân sách, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện các dự án song tỷ lệ tham gia của từng địa phương không quy định cứng mà tùy tình hình địa phương. Chủ tịch Quốc hội cho rằng điều này là phù hợp bởi “tình thế đặc biệt đòi hỏi giải pháp đặc biệt”.

Theo đó, đối với dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM và dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn qua địa phương nào, địa phương đó quản lý và giao đầu mối cho Hà Nội đối với dự án đường Vành đai 4 và TP.HCM làm đầu mối quản lý đối với đường Vành đai 3. Tuy nhiên, khái niệm đầu mối quản lý, trách nhiệm của đầu mối đề vừa bảo đảm trách nhiệm thực hiện ở từng đoạn vừa thống nhất toàn tuyến luật chưa có quy định, do đó, Chính phủ cần phải làm rõ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, việc phân chia dự án thành đoạn tuyến, chia theo địa giới hành chính như trên cũng không phù hợp với Luật Xây dựng hiện hành. Luật Xây dựng chỉ cho phép các dự án vận hành độc lập, tiểu dự án cũng phải vận hành độc lập. Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế thì việc quá máy móc áp dụng quy định trong quản lý sẽ không cần thiết, do đó trình xin Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù.

Ngoài ra còn có các quy định về tỷ lệ phần vốn đóng góp, thời hạn thu hồi vốn của một số dự án liên quan đến quy định của Luật Đầu tư đối tác công-tư PPP, hay việc khai thác tài nguyên làm vật liệu thi công liên quan đến Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường, hay như quy định liên quan đến Luật Đấu thầu… đòi hỏi phải có một số các cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt khác với hệ thống luật hiện hành và chỉ áp dụng cho giai đoạn hiện nay. Song, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thực hiện cơ chế đặc thù phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm nhất là trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu. Đây là những vấn đề phải được thể hiện rõ trong Nghị quyết của Quốc hội. Cùng với đó phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. “Trao quyền nhiều phải cá thể hóa trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cùng với đó, các địa phương phải cam kết với Chính phủ về việc bố trí vốn và Chính phủ phải cam kết với Quốc hội một cách rõ ràng, chặt chẽ về tổng số vốn bố trí theo phương án, về phân kỳ đầu tư, tiến độ giải ngân, cam kết về tổng số vốn, số vốn cam kết từng năm, khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì cả Trung ương và địa phương đều phải bổ sung để bảo đảm hoàn thành. Đây là những vấn đề Nghị quyết của Quốc hội sẽ phải quy định rõ trách nhiệm.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội quan tâm đó là việc thực hiện cơ chế đối tác công tư. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, huy động nguồn lực xã hội. Tuy nhiên hiện nay các dự án có xu hướng chuyển sang đầu tư công nếu tiếp diễn huy động vốn toàn xã hội rất khó khăn, không thực hiện được mục tiêu khi ban hành Luật PPP. Đây là vấn đề phải được đánh giá một cách rất là căn cơ, phải chăng thị trường vốn dài hạn kém phát triển cần quan tâm xây dựng pát triển thị trường vốn; cùng với đó phải đánh giá toàn diện quy phạm pháp luật từ luật đến các nghị định, văn bản hướng dẫn đến tổ chức triển khai thực hiện. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về lâu dài cần tăng cường đầu tư nhân, xã hội hóa đầu tư nhân trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện các dự án khi cùng một lúc nhiều dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thì các vấn đề như vật liệu thi công, năng lực thi công của các nhà thầu, bảo đảm vốn… cần được tính toán đến. Trên cơ sở đó, xác định thời hạn hoàn thành các dự án. Đồng thời, vấn đề quản trị dự án, tổ chức bảo trì, bảo hành và vận hành sau khi đưa vào khai thác, sử dụng cũng là khâu quan trọng cần được chú ý đến.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quyết tâm của cả Quốc hội và Chính phủ để khi biểu quyết sẽ tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt và đến năm 2025 thực hiện được mục tiêu về đường cao tốc, tạo đột phá về kết cấu hạ tầng của cả nước.