Năm 2022: Hy vọng đan xen âu lo và thách thức với châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khép lại năm 2021 với khó khăn và biến động, châu Á có số dân nhiều nhất với hơn 4,5 tỷ người và GDP cao nhất trong các châu lục của thế giới với hơn 31 nghìn tỷ USD bước sang năm mới 2022 với những niềm hy vọng lớn, song còn đó nhưng khó khăn, âu lo và thách thức không hề nhỏ phải đối mặt trong một năm còn nhiều ẩn số vào lúc này.

Biến số đại dịch Covid-19 và kinh tế

Một trong những thách thức lớn nhất song lại chứa đựng những trông đợi, kỳ vọng lớn lao là đại dịch Covid-19. Có thể nói đại dịch chưa từng thấy này đã khiến năm 2021 trở thành một năm “đau thương và chết chóc” với châu Á khi tính tới hết năm đã có tổng cộng khoảng 85 triệu người mắc bệnh, trong đó có hơn 1,25 triệu trường hợp tử vong do Covid-19. Đại dịch không chỉ làm đảo lộn gần như toàn bộ đời sống xã hội của hơn 4,56 tỷ người dân châu Á mà còn tác động nghiêm trọng tới kinh tế, kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.

Đại dịch Covid-19 vẫn là một trong những thách thức lớn nhất mà châu Á phải đối mặt và ứng phó trong năm 2022 khi châu lục hiện vẫn là một điểm nóng dịch của thế giới với tổng số ca mắc mới hàng ngày ở mức cao so với khu vực khác. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đang phải đối phó với một làn sóng dịch mới với số ca mắc mới liên tục gia tăng, cùng với đó là sự gia tăng của các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện và tử vong.

Chiều hướng diễn biến của đại dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng tác động tới châu Á trong năm 2022

Chiều hướng diễn biến của đại dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng tác động tới châu Á trong năm 2022

Đáng chú ý, dù thi hành chính sách “Zero Covid” nghiêm ngặt tới mức hà khắc song Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với với thách thức rất lớn từ đại dịch. Quốc gia đông dân nhất thế giới này đã phải vừa trải qua một tuần tồi tệ nhất vì Covid-19 với 1.352 ca mắc mới, tăng 106% so với tuần trước đó và là mức cao nhất trong gần 2 năm qua. Ứng phó với đại dịch Covid-19 vì thế vẫn là một ưu tiên cấp bách, hàng đầu với các quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á. Đây cũng là tiền đề quan trọng nhất và không thể thiếu để đưa châu lục trở lại nhịp sống bình thường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hồi phục du lịch, hàng không…

Có nhiều dự báo về triển vọng cũng như cách thức ứng phó với đại dịch tại các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, nhất là sau sự hoành hành của biến thể Delta và sự xuất hiện của biến thể Omicron. Tuy nhiên, đại đa số cùng lựa chọn phương thức “tấn công” với hai mũi chính là vaccine phòng Covid-19 và thuốc điều trị, cùng với đó là các biện khác như 5K, kỹ thuật…, để thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện chưa biết quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là nền kinh tế lớn nhất châu lục, lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc sẽ lựa chọn chiến lược chống dịch Covid-19 thế nào, tiếp tục chính sách “Zero Covid” hay nới lỏng. “Zero Covid” có thể giúp hạn chế số ca mắc bệnh, song ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, nhất là chuỗi cung ứng nguyên liệu, vật tư, linh kiện của nước này mà nhiều khu vực khác trên toàn cầu.

Chiều hướng đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới triển vọng kinh tế châu Á trong năm 2022 này. Trong bản báo cáo bổ sung về Triển vọng Phát triển châu Á công bố trung tuần tháng 12-2021, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực trong năm 2022 từ mức 5,4% xuống còn 5,3% do lo ngại diễn biến phức tạp của biến chủng Omicron vừa xuất hiện. Theo các chuyên gia, tốc độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2022 này phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là ở châu lục.

Đòi hỏi cấp bách về môi trường hòa bình, an ninh, ổn định

Hòa bình, ổn định và an ninh tiếp tục mang lại những thách thức lớn cho các quốc gia châu Á trong năm 2022 khi đây là châu lục có nhiều điểm nóng, khu vực, vấn đề tiềm ẩn nguy cơ bất ổn bậc nhất trên thế giới. Chủ nghĩa khủng bố, xung đột và đối đầu ở khu vực Trung Đông, Nam Á kéo dài dai dẳng nhiều năm sẽ tiếp tục là những thách thức an ninh lớn đối với không chỉ châu lục mà toàn cầu. Cùng với đó là vấn đề tên lửa, hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Cạnh tranh chiến lược, tranh giành lợi ích và ảnh hưởng toàn cầu Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến gay gắt mà Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “chiến trường” trọng yếu và “khốc liệt” nhất”. Cho dù Washington và Bắc Kinh cùng không muốn đối đấu Mỹ - Trung vượt tầm kiểm soát trở thành cuộc đấu “lưỡng bại câu thương” song lợi ích chiến lược toàn cầu lâu dài giữa một cường quốc cho rằng mình ở vị thế số một và một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ không cho phép lùi bước, nhân nhượng trong cuộc đua tranh không chỉ chưa có hồi kết mà xem ra sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ở khu vực trong năm 2022 này càng khó lường hơn khi nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà chính sách, ứng xử với Trung Quốc ảnh hưởng tới lá phiếu của cử tri Mỹ đối với đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Joe Biden và đối thủ đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump, người luôn tỏ ra cứng rắn trong quan hệ với Bắc Kinh. Trong khi đó, năm 2022 cũng rất quan trọng với Trung Quốc khi diễn ra Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản nước này, kỳ đại hội đánh dấu việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện mục tiêu 100 năm lần hai vào năm 2049.

Tham vọng trở thành cường quốc đại dương, trước hết là tham vọng chủ quyền trên biển của Trung Quốc là nguồn cơn gây sóng gió căng thẳng ở Tây Thái Bình Dương, mà Biển Đông là một trong những điểm nóng nhất, tiếp tục là một trong những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất với châu lục trong năm nay. Chính quyền hiện nay ở Mỹ chú trọng hơn tới cơ chế hợp tác đa phương để kiềm chế, ứng phó với tham vọng, sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, năm nay sẽ chứng kiến sự củng cố chặt chẽ của các thể chế đa phương an ninh như nhóm “Bộ Tứ (QUAD, gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) và Liên minh AUKUS (Australia, Vương quốc Anh và Mỹ) cũng như các sáng kiến an ninh mới cho khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng tìm kiếm hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, với sự lãnh đạo của thủ tướng mới Olaf Scholz cũng sẽ có chính sách mạnh mẽ hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Angela Merkel - để kiềm chế, ứng phó với Trung Quốc.

Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Mỹ vốn không có nhiều đột phá trong 2021, nhưng được cho là sẽ chứng kiến sự phát triển hơn nữa trong năm tới khi Washington đang chuẩn bị công bố một phiên bản mới của FOIP cho khu vực. Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra những sáng kiến mới sẽ tác động tới châu Á trong năm 2022. Không chỉ tìm kiếm sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh, chính quyền Tổng thống Joe Biden trong khi triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2022 được cho là sẽ tìm cách thúc đẩy xây dựng một liên minh về thương mại và công nghệ hoặc ký kết một thỏa thuận hợp tác kinh tế lớn với châu Á nhằm cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược, xung khắc, đối đầu về lợi ích… song các cường quốc cũng như các quốc gia khu vực cùng có lợi ích chung, điểm đồng là môi trường hòa bình, an ninh và ổn định. Điều này càng cấp bách và quan trọng trong năm 2022 này khi đang phải tìm cách vượt qua những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.