Năm 2021, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 trước Quốc hội chiều 23-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tội phạm tham nhũng rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Báo cáo, từ 1-10-2020 đến 30-9-2021, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.

Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt 88,81%. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%. “Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, số vụ khởi tố mới tăng gần 88,82%. Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng, đánh bạc, đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, tình hình cháy, nổ, tai nạn giao thông được kiềm chế, trong đó số vụ cháy giảm 22,2%, tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 3 tiêu chí: 22,07% số vụ, 14,86% số người chết, gần 26,99% số người bị thương.

Đại tướng Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm cũng nhận định, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp trong khi công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn nhiều tồn tại, hạn chế.

“Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được tăng cường tối đa cho công tác phòng, chống dịch dẫn tới thiếu hụt nhân lực cho các công tác thường xuyên. Một số cán bộ thực thi pháp luật ý thức kỷ luật kém, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2022, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình thế giới, khu vực từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách phù hợp nhằm giữ vững chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia; Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm. Tăng cường đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm...

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các yêu cầu quản lý xã hội.

Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tăng cường các nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.