Năm 2021 "được nhiều hơn mất" của bóng đá Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nỗi buồn từ thất bại tại AFF Cup 2020 mau chóng lu mờ khi nhìn lại một năm đầy nỗ lực và thành công của bóng đá Việt Nam.

Tiến gần hơn tới World Cup

Năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng của bóng đá Việt Nam khi đội tuyển quốc gia lần đầu tiên vào tới vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á, sau 28 năm tham dự đấu trường này.

Bóng đá Việt Nam lần đầu vào tới vòng loại thứ ba World Cup

Bóng đá Việt Nam lần đầu vào tới vòng loại thứ ba World Cup

Trước đó ở vòng loại thứ 2, thầy trò Park Hang-seo giành 17 điểm sau 8 trận, trong đó có 5 trận thắng trước UAE (1-0), Malaysia (1-0, 2-1), Indonesia (3-1, 4-0), xếp nhì bảng G sau UAE (18 điểm).

Việt Nam cũng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt vòng loại thứ ba.

Kết quả này ghi dấu cả một quá trình phát triển và tiến bộ, giúp bóng đá Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu lần đầu tham dự World Cup, nhất là tại giải đấu năm 2026 khi số đội nâng lên từ 32 lên 48, trong đó số suất dành cho khu vực châu Á tăng từ 4,5 lên 8 suất (bao gồm cả chủ nhà).

Futsal lọt vòng 1/8 World Cup, U23 giành vé châu Á

Sau 4 năm chờ đợi, futsal Việt Nam lần thứ 2 tranh tài ở giải đấu lớn nhất thế giới - FIFA World Cup 2021 tại Lithuania. Dù quá trình chuẩn bị, luyện tập chịu tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19, song thầy trò HLV Phạm Minh Giang vẫn xuất sắc tái lặp thành tích lọt nhóm 16 đội xuất sắc nhất giải.

Điểm nhấn của đội tuyển futsal Việt Nam là trận thắng kịch tính 3-2 trước Panama ở vòng bảng và khiến cho á quân mùa trước là đội tuyển Nga phải chật vật mới thắng sát nút 3-2 để đi tiếp.

Futsal Việt Nam thể hiện sự tiến bộ, tái lặp thành tích lọt vòng 1/8 World Cup

Futsal Việt Nam thể hiện sự tiến bộ, tái lặp thành tích lọt vòng 1/8 World Cup

Giải này, Ngô Văn Hiếu của Việt Nam được FIFA bầu chọn "5 tài năng trẻ xuất sắc", còn bàn thắng của anh ghi vào lưới Panama được bầu chọn "Bàn thắng đẹp nhất giải". Trong khi đó, bàn thắng của Đắc Huy ghi vào lưới tuyển Nga được truyền thông quốc tế ghi nhận là "của hiếm" trong giới futsal, khi người chuyền và dứt điểm ghi bàn đều thực hiện bằng đầu.

Bên cạnh thành công của đội tuyển futsal ở Word Cup, chiến tích giành vé vòng loại thứ ba World Cup của đội tuyển quốc gia, các đàn em ở U23 Việt Nam cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giành vé dự VCK U23 châu Á 2022 khi toàn thắng ở vòng loại. Kết quả này được đánh giá là ấn tượng hơn so với lứa Công Phượng, Quang Hải cũng ở vòng loại cách đây 4 năm.

Thất bại AFF Cup 2020 - khoảng lặng cần thiết

Vào giải với tư cách đương kim vô địch nên việc thầy trò HLV Park Hang-seo không thể bảo vệ ngôi vương có thể xem là một thất bại. Thế nhưng, từ thất bại này mang đến nhiều bài học, gợi mở cho tương lai.

Ở chừng mực nào đó, thất bại chung cuộc 0-2 trước Thái Lan sau hai lượt trận cho thấy giới hạn của HLV Park Hang-seo, của đội tuyển Việt Nam và cả nền bóng đá.

Thất bại trước Thái Lan mang đến nhiều điều đáng suy ngẫm cho bóng đá Việt Nam

Thất bại trước Thái Lan mang đến nhiều điều đáng suy ngẫm cho bóng đá Việt Nam

4 năm thành công của bóng đá Việt Nam gắn liền với sự cống hiền, cày ải của lứa Công Phượng, Quang Hải... Và khi những cỗ máy bị kiệt sức, không thể vận hành đúng công suất và không được làm mới, ngay lập tức lối chơi của đội tuyển Việt Nam giảm hiệu quả, có thời điểm bế tắc do bị đối thủ bắt bài.

Thái Lan với chiều sâu đội hình có thể dùng dàn dự bị để đánh bại đối thủ khi cần, trong khi tuyển Việt Nam dù nhận ra điểm yếu ở một vài vị trí song không có nhân sự chất lượng hơn để thay thế. Thực tế này ở AFF Cup 2020 khiến người làm bóng đá phải suy ngẫm.

Thất bại AFF Cup 2020 là khoảng lặng cần thiết sau chu kỳ thành công, để người trong cuộc nhìn ra hạn chế và nhận diện nguy cơ tụt hậu.

Một nền bóng đá không thể cứ mãi trông chờ vào một HLV hay một lứa cầu thủ tài năng mà cần đào tào ra lực lượng kế thừa.