Năm 2015: Tuyến ống nước sạch sông Đà số 2 chưa thể phục vụ người Hà Nội

ANTĐ - Dù lãnh đạo Tổng Công ty Vinaconex đã hứa hoàn thành tuyến ống nước sạch sông Đà số 2 trong năm 2015 nhưng theo thông tin  mới nhất ngày 5-5, phải tới giữa năm 2016, tuyến ống này mới được thi công xong.

Theo ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex, tuyến ống nước sạch sông Đà số 2 rất cấp bách, phải làm càng nhanh càng tốt nhưng cơ chế đặc thù Vinaconex đề xuất đã không được chấp nhận. Do đó, dự án bắt buộc phải làm theo quy định chung. Do quy chế đầu tư, thủ tục chậm nên rất tốn thời gian. Hiện nay, dự án đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư, phê duyệt xong dự án. Sắp tới, Vinaconex sẽ trình Bộ Xây dựng thẩm tra, thẩm định, sau đó mới tổ chức mời thầu. “Nhân dân rất suốt ruột với dự án này, nhưng không có cách nào khác, chúng tôi phải làm theo quy định Nhà nước. Dự kiến, tháng 8-2015, dự án mới khởi công và 6 tháng sau, dự án mới có thể hoàn thành”.

Thận trọng hơn, ông Thân Thế Hà, Phó Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, do phải chờ đợi ống gang dẻo từ đối tác nước ngoài mất khoảng 4 tháng nên thời gian thi công không thể nhanh được. Dự kiến, phải tới tháng 6, tháng 8-2015, dự án mới có thể đi vào vận hành, phục vụ nhân dân.

 

Tuyến ống sông Đà số 1 vỡ liên tục, ảnh hưởng tới hơn 70.000 hộ dân phía Tây thành phố

Chưa bắt đầu vào mùa hè nhưng tình hình cấp nước sạch đã căng thẳng với một số điểm thiếu nước cục bộ mới phát sinh. Dự báo, năm nay, tình trạng thiếu nước sạch vẫn sẽ tiếp diễn, nhất là trong những đợt nắng nóng kéo dài do nguồn cung chưa cải thiện trong khi nhu cầu tiếp tục tăng mạnh.

Theo Công ty nước sạch Hà Nội, dự kiến nhu cầu sử dụng nước mùa hè năm 2015 tăng từ 7-10% so với hè năm 2014, tương ứng sản lượng cần cấp vào mạng từ 620.000 đến 675.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, nguồn nước ngầm Công ty khai thác được chỉ đạt từ 585.000 đến 620.000 m3/ngđ.

Theo dự báo của Công ty nước sạch Hà Nội, một loạt khu vực nội thành sẽ có nguy cơ xảy ra thiếu nước cục bộ trong mùa hè. Cụ thể, tại quận Ba Đình, khu vực phố Hàng Than, Hồng Phúc, Nguyễn Trung Trực, Hàng Đậu, Hòe Nhai, Ngõ 18 Quán Thánh, Ngõ 25, 45 Phan Đình Phùng, ngõ 267 Hoàng Hoa Thám, các ngõ 378, ngõ 460, ngõ 530, ngõ 562 Thụy Khuê... rất dễ mất nước cục bộ. Tình trạng tương tự có thể xảy ra ở khu vực đê Thanh Lương, đê Nguyễn Khoái, đê Trần Khát Chân, phố Hồng Mai, Trần Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Lương Yên, Hoa Lư, Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng); ngõ Thái Thịnh II, ngõ 153 Thái Hà; ngõ Lệnh Cư, Kim Hoa, Đê La Thành 4; ngách 25/7 phố Vũ Ngọc Phan; ngõ 354 đường Trường Chinh (quận Đống Đa); phường Chương Dương, Phúc Tân, dọc đường Trần Nhật Duật, phố Tràng Thi, Quán Sứ, Trần Hưng Đạo – Lê Duẩn, phố Huế - Trần Hưng Đạo, Hàng Tre, Hàng Bè, Hàng Buồm (Hoàn Kiếm); khu ngoài đê (Lĩnh Nam), Đền Lừ, Bằng A Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai)... Ở khu vực giáp ranh, một số khu dân cư ở Đức Giang, Sài Đồng, Trâu Quỳ, Bắc Thăng Long... cũng đối diện nguy cơ bị mất nước đột xuất trong ngày hè.

Theo Công ty nước sạch nước Hà Nội, do ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Hồng, nguồn nước ngầm tiếp tục bị suy giảm từ 1-2% hàng năm. Cùng với đó, nguồn nước sông Đà cung cấp cho nội thành cũng chỉ đạt bình quân từ 40.000 - 45.000 m3/ngđ, trong khi nhu cầu sử dụng nước hàng năm dự kiến tăng từ 2-3%. Đặc biệt, vào dịp hè có những đợt nắng nóng kéo dài,  nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến từ 10 đến 15%, dẫn tới tổng lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu từ 40.000 đến 60.000 m3/ngđ. Đã vậy, nguồn nước mặt sông Đà lại thường xuyên phải đối diện với sự cố vỡ ống và trục trặc kỹ thuật nên người dân Hà Nội, nhất là khu vực phía Tây thành phố và các quận trung  tâm như Đống Đa, Cầu Giấy rất dễ bị mất nước sạch.