Năm 2014, ổn định thúc đẩy tăng trưởng

ANTĐ - Năm 2014 đã mở ra với nhiều kỳ vọng vào một năm tình hình kinh tế tươi sáng hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia, trên nền tảng là sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tín hiệu tích cực đến từ các nền kinh tế lớn, kinh tế Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Nhìn nhận về những giải pháp, kết quả đạt được trong năm 2013, TS kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Bức tranh kinh tế xã hội nước ta trong năm 2013 nổi bật là sự ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi dần, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Xuất khẩu tăng trưởng nhanh, cân đối thương mại theo hướng tích cực. Tăng trưởng tín dụng vào những tháng cuối năm có những cải thiện rõ rệt, thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực”. 

Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế thế giới sẽ có những khởi sắc trong năm 2014, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi. Dự báo khu vực EU sẽ thoát khỏi khủng hoảng với mức tăng trưởng 0,9%, Mỹ 2,7% và Nhật Bản ở mức 1,2%. Ở Việt Nam, nền kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu tốt lên, lạm phát đang ở mức kiểm soát, CPI dự báo cả năm khoảng 6%. Tuy nhiên, nhiều rủi ro vẫn còn tiềm ẩn, đòi hỏi không được chủ quan.

Còn theo TS Đoàn Hồng Quang - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Trên cơ sở bình ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát đuợc kiềm chế, niềm tin của doanh nghiệp dần được khôi phục, chỉ số của các nhà quản lý mua sắm (PMI) tăng, những con số các doanh nghiệp mới hình thành… đều cho tín hiệu chung là năm 2014 nhiều khả quan hơn năm 2013”.

Nghiên cứu vừa được công bố của Ngân hàng HSBC cho biết, các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã được cải thiện trong tháng 12 - 2013 khi sản lượng và việc làm tăng với tốc độ nhanh hơn và được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng trở lại của số lượng đơn đặt hàng mới. Trong khi đó, hoạt động mua hàng đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử khảo sát. Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã gia tăng nhẹ, nhưng các nhà sản xuất đã giảm giá đầu ra của họ nhằm tăng số lượng đơn đặt hàng mới. 

Chỉ số PMI - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất đã tăng từ mức 50,3 điểm trong tháng 11 lên 51,8 điểm trong tháng 12. Kết quả này cho thấy sự cải thiện của điều kiện kinh doanh. Một điểm đáng chú ý nữa là số lượng đơn đặt hàng mới tháng 12 đã tăng lần thứ 3 trong 4 tháng qua khi nhu cầu khách hàng đã được cải thiện. Vì số lượng đơn đặt hàng mới tăng nên các công ty đã gia tăng hoạt động sản xuất. Sản lượng đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4-2011. Việc tăng khối lượng công việc đã có ảnh hưởng tích cực lên công ăn việc làm trong tháng 12.