Năm 2013: Kỷ lục về số cơn bão hoạt động trên biển Đông

ANTĐ - Sáng nay 5-11, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khơi Thái Bình Dương đã vượt qua Philippines vào biển Đông. Trong ngày hôm nay, áp thấp sẽ mạnh lên thành bão, cơn bão số 13 hoạt động trong vùng biển Đông trong năm nay.

17 cơn bão và còn thêm nữa

Trong khi đó, ngoài khơi xa cũng vừa hình thành một cơn bão có tên quốc tế là HAIYAN- Hải Âu (tên do Trung Quốc đề cử). Hiện, cơn bão này di chuyển với tốc độ rất nhanh, khoảng ngày 9-11 sẽ đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 14.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, thông thường, trên biển Đông chỉ có khoảng 10-11 cơn bão hoạt động/năm. Nhưng năm nay, tới hiện tại đã có 13 cơn bão, ngoài ra còn 4 áp thấp nhiệt đới. Con số này đã phá vỡ mức kỷ lục trong chuỗi quan trắc của ngành khí tượng lâu nay.

Theo đó, vào năm 1964 ngành khí tượng ghi nhận có 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trong vùng biển Đông. “Năm 1964 thì dự báo vẫn chưa phân biệt bão hay áp thấp, tất cả đều gọi chung là bão. Nhưng năm nay, cả áp thấp và bão đã lên tới 17 cơn, chưa kể, cơn bão Hải Âu sẽ tràn vào biển Đông trong vài ngày tới”, ông Hải nhận định.

Ngoài ra, khu vực biển Tây Bắc Thái Bình Dương cũng đã ghi nhận một con số kỷ lục với 31 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trung bình nhiều năm chỉ ở mức 28 cơn. Trong khi, vẫn còn gần 2 tháng nữa mới hết năm 2013.

“Riên tháng 10-2013, khu vực Tây Bắc  Thái Bình Dương đã ghi nhận 7 cơn bão, vượt con số kỷ lục vào tháng 10-1989 với 6 cơn. Như vậy, về diễn biến của bão năm nay ghi nhận 2 kỷ lục”. Chưa kể, từ nay đến cuối năm, sẽ còn xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.

Bão số 13 và bão Hải Âu đang dồn dập vào biển Đông


Hơn nữa, số cơn bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong năm nay cũng nhiều hơn. Thông thường, mỗi năm chỉ có khoảng 1 cơn bão mạnh từ cấp 12 trở lên ảnh hường trực tiếp đến nước ta, nhưng năm nay, thời điểm này đã có 2 cơn (bão số 10 và 11).

Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Dự báo hạn ngắn, Trung tâm DBKTTV Trung ương cho rằng, sự bất thường trên không hẳn liên quan đến yếu tố biến đổi khí hậu. Mùa bão lũ là mùa khí hậu biến đổi, năm ghi nhận nhiều cơn bão, năm ghi nhận ít. Như năm 2012, khu vực miền Trung chỉ đón duy nhất 1 cơn bão yếu đổ bộ vào Phú Yên.

Về cơn bão số 13 sắp hình thành lên từ áp thấp nhiệt đới, ông Tuấn cho biết, hiện, bão di chuyển rất nhanh, khoảng 30km/hm. “Bão di chuyển nhanh thông thường đường đi không phức tạp lắm. Song, do bão đi chếch xuống phía Nam, khu vực biển này rất khó để dự báo cường độ bão, phức tạp do đường dẫn bão không ổn định”.

Người "làm" bão cũng "ngán" bão đổ bộ phía Nam

 Theo nhận định, bão số 13 nhiều khả năng đi vào Nam trung bộ và Nam bộ. Khu vực này, mật độ dân cư lớn, nhà cửa lại không kiên cố như miền Bắc, miền Trung nên bão vào rất nguy hiểm. “Những người làm công tác dự báo báo, phòng chống thiên tai như chúng tôi cũng rất sợ bão vào khu vực phía Nam”, ông Tuấn bày tỏ.

Theo đó, mặc dù sức gió có thể giật không mạnh như bão số 10 hay 11, nhưng dự báo, bão số 13 sẽ quét qua một vùng rộng, gây mưa cục bộ, khu vực Nam bộ, Tây Nguyên và thậm chí ra đến Quảng Ngãi. Sau khi sang Vịnh Thái Lan ra Ấn Độ Dương, nhiều khả năng bão sẽ lại mạnh trở lại. Vì vậy, tàu thuyền hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa nên di chuyển vào bờ hoặc nhích ra Bắc, không nên di chuyển về phía Vịnh Thái Lan. 

Tuy nhiên, ông Hải cũng lo ngại, vì hai cơn bão dồn dập, nên BCĐ PCLB Trung ương phải hết sức lưu ý, hướng dẫn tàu thuyền. “Nếu mải tránh bão số 13 mà di chuyển ngược ra Bắc cũng chẳng khác nào ngồi đợi bão số 14 đổ bộ”.

Trong sáng nay, BCĐ PCLB Trung ương cũng đã có Công điện gửi BCH PCLB các tỉnh phía Nam, yêu cầu tập trung đối phó với cơn bão số 13.
Đặc biệt, các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa- Vũng  Tàu xem xét cấm biển trong ngày mai 6-11.

Tin cùng chuyên mục