Mỹ xây dựng chiến lược hải quân mới xoay quanh “địch thủ” Trung Quốc

ANTĐ - Học viện chiến tranh hải quân Mỹ vừa tổ chức Diễn đàn "Chiến lược hiện nay”. Trong đó, những lo ngại từ sự trỗi dậy của Trung Quốc chiếm vị trí chủ đạo trong tư tưởng chiến lược của hải quân nước này. 

Tờ “Thời báo hải quân” Mỹ (Navy Times) cho biết, vừa qua, Bộ trưởng tác chiến hải quân Mỹ (tương đương với Tư lệnh hải quân) - Đô đốc Jonathan Greenert đã tổ chức Diễn đàn "Chiến lược hiện nay” tại Học viện chiến tranh hải quân Mỹ trong vòng hai ngày.

Tư lệnh Greenert yêu cầu các quan chức hải quân, học giả và sinh viên có mặt tại diễn đàn tự do đưa ra ý kiến để đổi mới chiến lược hải quân Mỹ. Ông nhấn mạnh, trước khi đưa ra chiến lược hải quân mới trong năm nay, ông cần tập hợp ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau.

Được biết, lần sửa đổi chiến lược hải quân Mỹ gần đây nhất là vào năm 2007. Khi đó, quân đội Mỹ đang bước vào cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan.

Trong buổi thảo luận, vấn đề “Làm thế nào để đối phó với Trung Quốc?” đã trở thành chủ đề nóng. Nhà sử học Hal Brands thuộc đại học Duke của Mỹ (Duke University) cho biết: “Trung Quốc trỗi dậy thành một đối thủ tiềm tàng là thách thức chiến lược lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt”.

Giáo sư về các vấn đề quốc tế thuộc đại học Princeton, ông Aaron Friedberg phát biểu, Mỹ chưa đầu tư đủ các nguồn lực để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Washington cần đề ra một chiến lược quân sự đáng tin cậy để đối phó với Bắc Kinh.

Đô đốc Greenert lại luôn đề cập đến ý tưởng tác chiến “Tác chiến không - hải nhất thể” - một lý luận được nhiều chuyên gia cho là nhằm vào Trung Quốc. Ông nói: “Tác chiến không - hải nhất thể” nhằm đảm bảo khả năng xuyên phá tại bất cứ nơi nào trên toàn thế giới. Xâm nhập mọi khu vực là một bộ phận then chốt trong chiến lược mà chúng tôi muốn thực hiện”.

Mỹ xây dựng chiến lược hải quân mới xoay quanh “địch thủ” Trung Quốc ảnh 1

Mỹ đang lấy Trung Quốc làm trọng tâm trong chiến lược hải quân mới

Tuy nhiên, cũng có người băn khoăn về việc công khai thảo luận chiến lược đối phó với Trung Quốc có phải là sẽ chọc giận cường quốc châu Á này không? Ông Greenert cho biết, không cần công khai chỉ đích danh quốc gia nào, như vậy sẽ tránh được hiểu lầm, dẫn đến sự thù địch, nhưng đồng thời hải quân Mỹ vẫn đang chuẩn bị, vì đây chính là điều cần thiết phải làm.

Ông giải thích: “Chúng tôi bí mật đánh giá tất cả mọi vấn đề, có người góp ý là cần phải công khai bàn luận về điểm này. Hải quân Mỹ không thể làm như vậy, vì nó sẽ dẫn đến sự thù địch, không cần thiết phải làm phức tạp tình hình”.

Nhưng trong buổi họp cũng có một người cương quyết bảo vệ quan điểm công khai thảo luận về vấn đề đối phó với Trung Quốc. Giáo sư Friedberg phát biểu: “Tôi không đồng ý với cách nói của đô đốc Greenert, tôi cho rằng thảo luận về Trung Quốc trong vai trò của một kẻ thách thức là vô cùng quan trọng, cần tiếp tục bàn bạc để làm rõ Trung Quốc hiện đang làm những gì”.

Một bài báo khác trên tờ “Thời báo hải quân” ngày 17-6 đưa tin, chiến lược mới của hải quân Mỹ sẽ nhấn mạnh đến chiến tranh mạng và hình thái an ninh đang không ngừng thay đổi, cùng với một số vấn đề cần đối phó hiện nay. Ông Greenert cho biết: "Chúng tôi sẽ làm cho bạn bè, đối tác và đối thủ hiểu rằng chúng tôi vẫn đang hiện diện và chúng tôi đang bận tâm đến vấn đề gì”.

Ngày 18-6, một chuyên gia quân sự Trung Quốc am tường chiến lược quân đội Mỹ cho phóng viên tờ “Thời báo Hoàn Cầu” biết, những cuộc thảo luận này không chỉ diễn ra tại Học viện chiến tranh hải quân Mỹ, mà còn ở Học viện chiến tranh lục quân Mỹ, Đại học Quốc phòng Mỹ…

Mỹ xây dựng chiến lược hải quân mới xoay quanh “địch thủ” Trung Quốc ảnh 2

Máy bay chiến đấu F-22 và F-15 trong một cuộc huấn luyện đánh biển

Học viện chiến tranh lục quân Mỹ đã tổ chức những diễn đàn đối phó với Trung Quốc từ nhiều năm trước. Khi ông đến thăm Học viện này hồi đầu năm nay, các học viên của Học viện lục quân Mỹ nói rằng, hội trường mà ông đang họp đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu về vấn đề đối  phó với Trung Quốc.

Vị chuyên gia này bày tỏ, tại Mỹ, giới học giả và các nhà hoạch định chính sách được phân biệt rõ ràng, các học giả có thể tự do phát biểu, nhưng các quan chức quân đội lại phải tránh công khai chỉ rõ ý kiến của mình nhằm vào quốc gia nào, đặc biệt là cần hết sức thận trọng khi nhắc đến Trung Quốc.

Việc một vị quan chức quân đội cấp cao là Tư lệnh hải quân Mỹ đích thân tham dự và thúc đẩy diễn đàn này, chứng tỏ giới chức quân sự Washington đang phát ra tín hiệu ngày càng xem Bắc Kinh là một đối thủ tác chiến và hoạt động của hải quân Trung Quốc đang uy hiếp đến lợi ích của Mỹ.

Mục đích chính của diễn đàn lần này là lấy Trung Quốc làm tiêu chí để đổi mới chiến lược hải quân nhằm đối phó với Trung Quốc từ tầng chiến lược cho đến những yếu tố chiến thuật.

Một khi những ý tưởng sáng suốt này được các quan chức Mỹ dung nạp, có thể sẽ hình thành chiến lược tương tự như “Tác chiến không - hải nhất thể”, thậm chí sẽ được đưa vào trong điều lệnh huấn luyện và tác chiến trong quân đội Mỹ, làm cho khả năng răn đe sẽ càng lớn hơn.