Mỹ và Philippines đối phó với tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiếp sau cuộc điện đàm giữa các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Philippines, cuộc tập trận chung giữa hai nước đã bắt đầu. Philippines đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác để ngăn chặn tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Binh lính Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung “Balikatan”

Binh lính Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung “Balikatan”

Mối lo chung trước hành động khẳng định chủ quyền phi pháp

Bắt đầu từ thứ hai (ngày 12-4), binh lính Mỹ và Philippines tiến hành cuộc tập trận chung có tên “Balikatan” (Vai kề vai), dự kiến kéo dài trong khoảng 2 tuần. Đây là hoạt động huấn luyện thường niên giữa Mỹ và Philippines nhưng năm ngoái đã phải hoãn vì đại dịch Covid-19. Khác với các lần trước, chương trình tập trận năm nay có quy mô nhỏ hơn. Chỉ có 1.700 binh lính, gồm 700 của Mỹ và 1.000 của Philippines tham dự, ít hơn so với con số khoảng 7.600 của các lần trước đây.

Đáng chú ý là cuộc diễn tập diễn ra chỉ 1 ngày sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Trọng tâm của cuộc điện đàm trên là căng thẳng gần đây ở Biển Đông liên quan đến các hoạt động khác thường của Trung Quốc khiến dư luận quốc tế và khu vực hết sức lo ngại. Thời gian gần đây, Washington liên tục chỉ trích Bắc Kinh tìm cách bắt nạt những nước láng giềng nhỏ hơn ở khu vực.

Trước hết là sự hiện diện của nhóm hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc ở đá Ba Đầu. Đây là rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa ở Biển Đông của Việt Nam, nhưng Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở một số khu vực. Tiếp đó là vụ tàu chở phóng viên Đài ABS-CBN của Philippines bị hai tàu mang tên lửa của Trung Quốc truy đuổi ở khu vực gần bãi Cỏ Mây ở Trường Sa. Đây là lần đầu tiên Đài ABS-CBN ghi được cảnh tàu quân sự Trung Quốc đuổi theo tàu dân sự, hành động cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sẽ hành xử ngày càng quyết đoán hơn trên Biển Đông bất kể sự phản đối của các nước khác.

Mặc dù cuộc tập trận chung “Balikatan” năm nay có nội dung chủ yếu xoay quanh kết hợp các hoạt động trên máy tính và trên thực địa, số lượng bài tập trên thực địa cũng ít hơn nhiều so với mọi năm, nhưng nó cho thấy cả Mỹ và Philippines đều lo ngại trước những hành động khẳng định chủ quyền gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời muốn tăng cường hợp tác để hạn chế bớt tham vọng này.

Ngoài tập trận chung với Philipines, Mỹ còn gia tăng các hoạt động khác ở Biển Đông. Trao đổi trên chương trình truyền hình buổi sáng của Mỹ (GMA), Đại sứ Philippines tại Mỹ Manuel Romualdez cho biết, hải quân Mỹ sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều tàu đến Biển Đông và đây là một phần của hoạt động tự do hàng hải. Ông Manuel Romualdez cũng bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ không trở thành “kẻ thù” của Philippines, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi đá Ba Đầu.

Cũng trong lĩnh vực an ninh, Mỹ và Philippines đã nối lại các cuộc trao đổi xung quanh Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng Mỹ - Philippines (VFA), văn bản hợp tác mà tương lai bị đặt dấu hỏi sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ rút khỏi VFA. Tuy nhiên, trong các cuộc tiếp xúc gần đây, hai bên đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của VFA.

Những động thái xích lại gần nhau giữa Mỹ và Philippines

Giới quan sát cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động phi pháp trên Biển Đông, Philippines đang phải dốc toàn bộ các nỗ lực ngoại giao nhằm bày tỏ sự phản ứng với Trung Quốc, cũng như tìm các phương thức trên thực tế có thể ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh. Điều này dẫn tới những thay đổi trong quan hệ giữa Philippines và Mỹ vốn lạnh nhạt dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.

So với những người tiền nhiệm, ông Rodrigo Duterte tỏ ra thân thiện với Trung Quốc hơn. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Rodrigo Duterte tìm cách tăng cường hợp tác với Bắc Kinh, chấp nhận gác lại vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhạy cảm. Chính sách “thích ứng với Trung Quốc” của ông Rodrigo Duterte đã được đáp lại bằng các cam kết đầu tư trị giá nhiều tỷ USD từ Bắc Kinh, dòng khách du lịch từ Trung Quốc cũng tấp nập hơn và đại lục mở rộng cửa cho hàng hóa xuất khẩu của Philippines, nhất là mặt hàng chuối.

Ngược lại, ông Rodrigo Duterte tỏ ra cẩn trọng hơn, muốn giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ như trong quá khứ. Đầu năm ngoái, quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Philippines đứng trước “cơn sóng dữ” khi ông Rodrigo Duterte chính thức thông qua quyết định chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA) ký với Mỹ năm 1998. Đây là thỏa thuận cung cấp cơ sở pháp lý cho hàng nghìn binh lính Mỹ sang Philippines tập trận, huấn luyện và tham gia các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.

Trong chiến lược biển của mình, Mỹ tính toán sẽ phong tỏa lực lượng hải quân của Trung Quốc bên trong “chuỗi đảo thứ nhất” ở châu Á. Quần đảo Philippines có vị trí đắc địa, bao gồm vành đai phía Đông của Biển Đông cũng như vòng cung phía Đông Nam của “chuỗi đảo thứ nhất”. Tuy không có căn cứ quân sự ở Phipippines nhưng Thỏa thuận VFA cho phép Mỹ có thể duy trì hàng ngàn quân luân phiên đóng ở Philippines để tham gia mấy chục cuộc diễn tập quân sự và hoạt động cứu trợ nhân đạo mỗi năm. Điều này bảo đảm cho Mỹ duy trì sự liên tục trong chuỗi mắt xích bao quanh Trung Quốc.

Nếu các lực lượng Mỹ không thể hoạt động từ các căn cứ của Philippines, khó có thể hình dung được họ sẽ duy trì sự hiện diện lâu dài ở Biển Đông hay dọc theo “chuỗi đảo thứ nhất” bằng cách nào. Chính vì thế, quyết định của ông Rodrigo Duterte chấm dứt Thỏa thuận VFA khiến Mỹ hết sức lo ngại, nhất là trong bối cảnh Washington luôn coi mối quan hệ với Manila là một yếu tố cản trở tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper từng tuyên bố chấm dứt VFA là động thái sai lầm vào thời điểm Mỹ và các đồng minh đang cố gắng gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế về trật tự tại châu Á.

Nhưng những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến Philippines phải tính toán thiệt hơn trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Việc Philippines có những động thái xích lại gần hơn với Mỹ được Manila giải thích là “do tình hình chính trị khu vực”, nhưng giới quan sát cho rằng yếu tố Trung Quốc mới là lý do thực sự khiến Philippines thay đổi. Trên thực tế, mặc dù Tổng thống Rodrigo Duterte trong các phát biểu vẫn giữ giọng điệu nhẹ nhàng với Trung Quốc, nhưng điều đó không ngăn cản việc Bộ trưởng Quốc phòng cũng như Ngoại trưởng Philippines có những tuyên bố chỉ trích công khai nhằm vào Trung Quốc.