Mỹ và bài toán khó: Một TTP nói "không" với Trung Quốc

ANTĐ - Ông Andrey Vinogradov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và phân tích Nga đã tuyên bố với đài "Tiếng nói nước Nga" rằng, hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán về thời hạn thành lập Khối thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP). 

Nhận xét này đã được ông Vinogradov đưa ra trước thềm cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng thương mại Mỹ và 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc gặp sẽ được tổ chức từ ngày 22-25 tháng 2 tại Singapore. Chuyên gia Nga cho rằng Khối thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ được thành lập, nếu Hoa Kỳ đề xuất được mô hình tự do hóa thương mại hấp dẫn, chứ không chỉ là một cơ chế chính trị mới để khống chế nền kinh tế Trung Quốc.

Theo kế hoạch ban đầu, đàm phán về việc thành lập TTP cần phải hoàn tất vào tháng 12-2013. Tuy nhiên, đã bước sang năm 2014 mà TPP vẫn chưa lộ diện hình hài. Mỹ đưa ra những yêu cầu tự do hóa thương mại quá cao và thậm chí không tính đến lợi ích của các nước phát triển như Australia, Singapore, Canada, New Zealand, Chile và Nhật Bản. Cũng với lý do tương tự, ngay cả khi Hoa Kỳ đồng ý, Trung Quốc cũng không thể gia nhập khối này.

Mỹ và bài toán khó: Một TTP nói "không" với Trung Quốc ảnh 1

Có quá nhiều yếu tố chính trị - quân sự ảnh hưởng đến việc thành lập TPP


Mỹ khởi xướng việc thành lập TTP vào năm 2005, chủ yếu đó là dự án chính trị. Ông Alexei Vinogradov cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà kế hoạch này xuất hiện vào thời điểm mà Trung Quốc đang thể hiện bản thân là quốc gia đứng đầu tiềm năng trong khu vực Đông Á, tương ứng là đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. TTP đối với Mỹ chắc chắn là công cụ quan trọng giúp Washington củng cố địa vị ở khu vực này”.

Ở mức độ nào đó, TPP là công cụ để Hoa Kỳ cô lập Trung Quốc hoặc cản trở Trung Quốc hội nhập kinh tế Đông Á, khu vực mà Trung Quốc là trung tâm. Tuy nhiên, tất cả các nước châu Á là ứng viên tiềm năng cho TTP, đều có kim ngạch thương mại với Trung Quốc lớn hơn so với Hoa Kỳ. Do đó, đề xuất của người Mỹ: “Hãy lựa chọn chúng tôi hay Trung Quốc” là vấn đề không mấy dễ dàng.

Mỹ và bài toán khó: Một TTP nói "không" với Trung Quốc ảnh 2

TPP sẽ là công cụ quan trọng giúp Washington củng cố địa vị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương?


Ông Andrey Vinogradov nói: “Dù sao người Mỹ cũng là nước khởi xướng TTP. Đối với nhiều quốc gia, yếu tố chính trị trong một liên minh kinh tế cũng là vấn đề rất quan trọng. Nói gì thì nói, khu vực đông và nam Trung Quốc đang có khá nhiều tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề quốc tế. Khách quan mà nói, các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippines đang quan tâm sao cho có được một số đối trọng trong khu vực.

Cùng với sự lớn mạnh không ngừng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, đối trọng cân bằng quân sự - chính trị ở khu vực này chỉ có thể là Hoa Kỳ. Do đó, Khối thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương không chỉ đơn thuần là một nhóm hội nhập khu vực mà nó đã trở thành một yếu tố cấu thành quan trọng trong dự án lớn của Mỹ, nhằm xây dựng trật tự mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn”.

Mỹ và bài toán khó: Một TTP nói "không" với Trung Quốc ảnh 3

Chiến hạm Mỹ và đồng minh trong cuộc diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC-2010)


Hiện nay, Mỹ và các đối tác của khối kinh tế tương lai còn chưa thể vượt qua được sự bất đồng rất nghiêm trọng về điều kiện gia nhập khối. Chẳng hạn về điều kiện cho xe ô tô nước ngoài và các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trường Nhật Bản; về gia hạn bằng sáng chế và các biện pháp để tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ; về thiết lập lại thuế xuất khẩu hàng dệt may và ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước so với tư nhân trong việc có được hợp đồng từ chính phủ…

Quá trình thành lập Khối thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương hóa ra dài hơn mức Mỹ dự kiến. Theo ông Alexey Vinogradov, không chỉ là các cuộc đàm phán sắp tới tại Singapore, mà vòng tiếp theo cũng có thể kết thúc thất bại.

Ông cho biết: “Câu hỏi thực sự là liệu Hoa Kỳ có tìm được đối số mới để kích thích quá trình này hay không? Khoảng 2-3 năm trước đây có người đã nói công khai rằng dự án này không có tương lai và mọi chuyện đã diễn ra gần đúng như thế”. 

Mỹ và bài toán khó: Một TTP nói "không" với Trung Quốc ảnh 4

Lãnh đạo các nước thành viên TPP và các thành viên tiềm năng tại một hội nghị thượng đỉnh TPP trong năm 2010


Hiện nay, tình hình thế giới, trong khu vực và ở Trung Quốc, nhất là nơi có tỉ lệ tăng trưởng giảm, cho thấy rằng dự án mới vẫn có thể tồn tại. Nhưng để thực hiện kế hoạch này thì phải có ý chí chính trị mạnh mẽ, chứ không chỉ vì lợi ích kinh tế. Điều thú vị là trong phạm vi các đối tác châu Á, về cơ bản có những đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ. Thế nhưng, bất chấp nỗ lực và sức ép của Mỹ, dự án vẫn không đáp ứng được lợi ích đầy đủ từ phía các đối tác châu Á.

Hiện tại, Hoa Kỳ là nước quan tâm nhiều nhất và có những động thái tích cực nhất đến sự hình thành Khối thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu như không tính đến sự quan tâm mới đây của Hàn Quốc thì số lượng các nước có nhu cầu gia nhập khối hầu như không gia tăng. Điều này phản ảnh thực trạng là TPP không hấp dẫn hoặc không khả thi đối với nhiều nước châu Á. Vì thế có thể nhận định con đường và khối lượng công việc mà Mỹ cần làm vẫn còn rất nhiều chông gai.