Mỹ tố Trung Quốc “xấu chơi”

ANTĐ - Là nước xuất khẩu lớn bậc nhất, được mệnh danh “công xưởng của thế giới” song Trung Quốc cũng là một quốc gia “xấu chơi”, theo đánh giá của Mỹ, khi tìm mọi cách dựng lên hàng rào bảo hộ hàng trong nước.

Một vụ vi phạm bản quyền bị phát hiện tại Trung Quốc

Trong báo cáo hàng năm của Đại diện Cơ quan Thương mại Mỹ (USTR) trình bày tại Quốc hội ngày 24-12, đại diện cơ quan này Michael Froman ghi nhận Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng bên cạnh những cải thiện trong một số lĩnh vực quan trọng, vẫn tồn tại nhiều vấn đề trong hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc. 

USTR chỉ trích Trung Quốc đã vi phạm quy định của WTO khi ban hành các chính sách nhằm hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường nội địa. Theo cơ quan này, Bắc Kinh đã thực thi các điều khoản hạn chế đối với các sản phẩm nhập khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, cung cấp dịch vụ, song lại có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. 

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ cũng như các quốc gia khác, nhất là phương Tây, lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vi phạm quy định của WTO, dựng lên hàng rào bảo hộ hàng trong nước. Hàng rào này càng khắt khe hơn từ khi nổ ra khủng hoảng kinh tế thế giới nên báo cáo của USTR đã chỉ rõ: “Trung Quốc vì theo đuổi chính sách bảo hộ công nghiệp trong năm 2013 nên đã tìm mọi cách ngăn không cho hàng hóa nhập khẩu và các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường”.

Bên cạnh đó, USTR cũng lên án chính sách bảo hộ, ăn cắp bản quyền… khiến các công ty của Mỹ thiệt hại hàng chục tỷ USD mỗi năm. “Làm giả và vi phạm bản quyền vẫn ở mức rất cao và liên tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Mỹ trên nhiều lĩnh vực kinh tế”. Một trong những minh chứng là việc tòa án Mỹ cách đây 6 tháng đã kết án một người đàn ông Trung Quốc 12 năm tù vì kiếm chác hơn 100 triệu USD bằng cách bán các phần mềm lậu cho khách hàng trên khắp thế giới.

Một vấn đề nhức nhối dù không được USTR đề cập tới trong báo cáo, song chính giới Mỹ từng nhiều lần nêu thẳng với lãnh đạo Trung Quốc trong năm 2013, đó là vấn đề gián điệp kinh tế.  Ủy ban Xem xét các vấn đề An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung cho biết, trong 20 vụ án liên quan đến tội phạm đánh cắp bí mật thương mại xảy ra từ tháng 1-2009 đến 1-2013 thì có tới 17 vụ dính líu đến Trung Quốc.

Việc Trung Quốc vi phạm quy định WTO trong bảo hộ sản xuất trong nước không chỉ bị thế giới chỉ trích mà đã gây ra những “phản ứng phụ” ngày càng nghiêm trọng, trong đó có nợ xấu thuộc lĩnh vực bất động sản mà theo ước tính đã lên tới 3,3 nghìn tỷ USD. Đó là lý do mà Trung Quốc sau Hội nghị Trung ương 3 mới đây đã cam kết cải cách theo hướng “thị trường tự do sẽ mang tính chất quyết định và chiếm ưu thế trong nền kinh tế”, trong đó sẽ bãi bỏ một số ưu tiên dành cho doanh nghiệp quốc doanh lớn, dỡ bỏ các hàng rào ngăn hàng hóa và dịch vụ nước ngoài tiếp cận thị trường nội địa…

Tuy nhiên, Mỹ cho rằng những cải cách trên là chưa đủ và thúc giục Trung Quốc cần phải “biến lời nói thành hành động thực tế” và đe dọa sẽ “không ngần ngại yêu cầu cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO tham gia nếu cần thiết”.