Mỹ tiếp tục đổ quân, Nga cảnh cáo sẽ ra tay hành động

ANTĐ - Nhằm đối phó với những diễn biến đang xảy ra tại Ukraine, lực lượng tác chiến mặt đất của Mỹ sẽ được triển khai đến Ba Lan nhằm mở rộng sự hiện diện của NATO tại Châu Âu.

Sau cuộc gặp với người đồng cấp của Mỹ Chuck Hagel tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Tomasz Siemoniak tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ triển khai các lực lượng tác chiến mặt đất tại Ba Lan như một phần của việc mở rộng sự hiện diện của NATO ở Trung và Đông Âu.

Ông Siemoniak cho biết các nhà hoạch định quân sự đang làm việc một cách chi tiết. Theo đó, Ba Lan sẽ đóng vai trò hàng đầu trong khu vực "dưới sự bảo trợ của Mỹ”. Kế hoạch triển khai sẽ được công bố trong tuần tới.

Theo Mỹ và NATO, việc Crimea sát nhập vào Nga được xem như một dấu hiệu đe dọa tiềm tàng không chỉ đối với các quốc gia vùng Baltic, vốn là thành viên của NATO, mà thậm chí là cả Moldova, Belarus và các quốc gia Trung Á.

Trước đó, ngày 17-4, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã triển khai một đơn vị phản ứng nhanh của hải quân tới biển Baltic, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các đồng minh tại Đông Âu trước cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Ukraine.

Mỹ tiếp tục đổ quân, Nga cảnh cáo sẽ ra tay hành động  ảnh 1

Máy bay chiến đấu F-15, F-16 và máy bay tiếp dầu KC-135 của Mỹ được điều đến Baltic

Bình luận về động thái này, trong một buổi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga TVC ngày 20-4, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố: “Nếu NATO tiến gần hơn về phía biên giới Nga, chúng tôi sẽ buộc phải có những biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an ninh quốc gia”.

Theo đó, ông cho rằng việc NATO đông tiến sẽ phá vỡ cấu trúc an ninh châu Âu và tạo ra mối đe dọa thực sự đối với nước Nga. Ông bày tỏ hy vọng rằng tương lai của Ukraine, cả về chính trị lẫn quân sự, sẽ không mang hình ảnh của NATO.

Hồi đầu tháng, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng bày tỏ quan điểm cho rằng việc Ukraine nỗ lực gia nhập NATO đã làm đóng băng quan hệ chính trị với Nga, tạo ra một mối quan hệ đối đầu giữa Nga và NATO, đồng thời khơi sâu thêm sự chia sẽ trong nội bộ Ukraine.

Hiện Ukraine và Gruzia đang vận động để trở thành thành viên NATO và nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu không nhất trí kết nạp 2 thành viên này do lo ngại gây thêm mâu thuẫn với Nga.