Mỹ thử thành công tên lửa đối hạm tự phát hiện mục tiêu

ANTĐ - Ngày 6-9, Cơ quan các Dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại và Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ cho biết, họ vừa phóng thử thành công nguyên mẫu tên lửa đối hạm tầm xa đầu tiên có thể tự động phát hiện và tiêu diệt mục tiêu. 

Theo ông Artie Mabbett, giám đốc chương trình tên lửa đối hạm tầm xa (LRASM) của Cơ quan các Dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại và Văn phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ (DARPA), các tên lửa hành trình hiện tại được phóng theo một lộ trình lập trình trước dựa vào thông tin tình báo, trinh sát và giám sát. Nếu đối thủ có hệ thống phòng không tinh vi, những tên lửa đó có thể không tiêu diệt được mục tiêu, và cần phải phóng thêm tên lửa để tiêu diệt.

Tuy nhiên, LRASM mới có khả năng tự động điều chỉnh lại đường bay dựa vào những thông tin mà tên lửa cảm ứng được khi đang bay về phía mục tiêu.

Trong cuộc thử nghiệm hôm 27-8 tại Bãi phóng thử trên biển Point Mugu, California, một chiếc máy bay ném bom B-1B thuộc Phi đội Thử nghiệm số 337 ở Căn cứ không quân Dyess, Texas, đã phóng quả tên lửa đối hạm tầm xa này, lúc đầu tên lửa đi theo một quỹ đạo được lập trình trước và sau đó nó đã chuyển sang chế độ tự động. Tên lửa đã có thể phát hiện và tiêu diệt được chiếc tàu mục tiêu di động, là một chiếc tàu không người lái dài khoảng 80m được điều khiển từ xa.

Ông Mabbett cho biết: "Có 3 chiếc tàu trong khu vực mục tiêu. Mục đích của cuộc thử nghiệm thực sự là tập trung vào bộ cảm biến để có thể phát hiện ra tất cả các mối đe dọa, nhưng chỉ tiêu diệt một mục tiêu mà chúng tôi đã định."

Hình ảnh mô phỏng tên lửa đối hạm tầm xa (LRASM) của Mỹ

Ngoài phiên bản phóng từ máy bay, 2 cơ quan này còn muốn phát triển cả phiên bản phóng từ tàu nổi. Nên họ có kế hoạch sẽ tiến hành 2 vụ thử nghiệm phiên bản phóng từ tàu nổi vào mùa hè tới, cùng với 2 vụ phóng thử phiên bản phóng từ máy bay nữa trong năm nay, ông nói.

Theo ông Mabbett, nếu phiên bản phóng thẳng đứng từ tàu nổi thành công, DARPA cũng có thể phát triển một phiên bản tên lửa đối hạm tầm xa phóng từ tàu ngầm.

Ông Mabbett không cho biết cụ thể tên lửa có được thử nghiệm trong một môi trường tác chiến điện tử hay không, nhưng thông cáo báo chí của DARPA cho rằng tên lửa sẽ giảm sự lệ thuộc vào thông tin tình báo, trinh sát và giám sát, mạng lưới liên kết dữ liệu và hệ thống định vị toàn cầu GPS.

Cùng với đầu nổ mảnh nặng 1.000 pao (tương đương 454kg), tên lửa đối hạm tầm xa này còn được trang bị một hệ thống cảm biến đa chế độ, bộ liên kết dữ liệu vũ khí và hệ thống định vị toàn cầu chống nhiễu kỹ thuật số hiện đại để phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu cụ thể nằm trong một nhóm tàu.