Mỹ tăng cường khả năng “bóp chết” tên lửa chống hạm Trung Quốc

ANTĐ - Công ty Serco đã nhận được một hợp đồng trang bị hệ thống vũ khí cận chiến (vũ khí phòng thủ tầm gần - CIWS) cho lực lượng hải quân, bảo vệ bờ biển và lắp đặt trên xe quân dụng của quân đội Mỹ. 

Trong bản hợp đồng mới được ký kết này, một bộ phận hợp đồng là thời gian và số lượng vũ khí (IDIQ) bàn giao chưa xác định rõ, nhưng thời gian hoàn thành hợp đồng cơ bản là 1 năm, kèm thời hạn 2 năm cho những lựa chọn tiếp theo.

Nếu như mọi lựa chọn của bản hợp đồng đều được thực hiện hoàn hảo, tổng giá trị của nó sẽ vào khoảng 31 triệu USD.

Mỹ tăng cường khả năng “bóp chết” tên lửa chống hạm Trung Quốc ảnh 1

Hình ảnh mô phỏng một cuộc tấn công ồ ạt của 8 quả tên lửa chống hạm YJ-82 Trung Quốc bị chiến hạm Mỹ đánh chặn (Ảnh trích từ video của Raytheon)

Các hệ thống phòng thủ dạng điểm này sẽ được lắp đặt trên tàu chiến hải quân, nhằm tăng cường khả năng phát hiện và phá hủy tên lửa chống hạm tầm thấp, có tính cơ động cao, khả năng uy hiếp lớn, đột phá qua hệ thống phòng thủ vòng ngoài.

Mỹ tăng cường khả năng “bóp chết” tên lửa chống hạm Trung Quốc ảnh 2
Nhóm 8 quả tên lửa đối hạm C-802 của Trung Quốc đồng loạt phóng tới các tàu chiến Mỹ


Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch công ty Serco Dan Allen cho biết, công ty của ông có lịch sử lâu dài về cung cấp chuyên môn kỹ thuật và các giải pháp C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính, tình báo, giám sát, trinh sát của hải quân) cho hải quân Mỹ.

Là một bên tham gia hợp đồng, công ty Serco sẽ chịu trách nhiệm lắp đặt, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần này.

Mỹ tăng cường khả năng “bóp chết” tên lửa chống hạm Trung Quốc ảnh 3
Radar trên tàu khu trục Mỹ phát hiện, khóa chết mục tiêu và đồng loạt phóng 8 quả tên lửa phòng không đánh chặn 


Hợp đồng này là sự bổ sung rất tốt cho hệ thống C4ISR của công ty, Serco sẽ vận dụng những kinh nghiệm có được của mình để chuẩn bị tốt hơn cho hệ thống phòng vệ của hải quân Mỹ, cũng như các tàu thuyền của họ.

Các tên lửa C-802 Trung Quốc lần lượt bị tên lửa tiêu diệt

Ngoài việc xây dựng và bảo trì các hệ thống C4ISR cho hàng loạt các đầu mối của bộ quốc phòng, Serco còn cung cấp dịch vụ bảo trì cả chu kỳ phục vụ cho trang thiết bị quân sự, đồng thời còn tham gia thiết kế, tích hợp hệ thống, mua bán phần cứng, phát triển phần mềm, hỗ trợ kỹ thuật và lắp đặt trang thiết bị.

Mỹ tăng cường khả năng “bóp chết” tên lửa chống hạm Trung Quốc ảnh 5
Sau đòn đánh chặn của tên lửa phòng không, nhóm tên lửa C-802 chỉ còn sót 1 quả 


Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, việc nước này phát triển các hệ thống phòng thủ tầm gần trên chiến hạm chủ yếu nhằm đối phó với tên lửa chống hạm của Trung Quốc, thuộc dòng tên lửa “Ưng Kích” (YJ), bao gồm cả thế hệ YJ-8 (YJ-81/82/83) và YJ-6 (tiêu biểu là YJ-62).

Hiện nay, ngoài loại tên lửa đạn đạo chống hàng không mẫu hạm DF-21D, Trung Quốc đang phát triển hàng loạt các loại tên lửa chống hạm phóng từ tàu chiến, từ máy bay và trên bờ, nhằm đối phó với lực lượng tàu chiến hùng hậu của hải quân Mỹ đang hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ tăng cường khả năng “bóp chết” tên lửa chống hạm Trung Quốc ảnh 6
Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx trên chiến hạm Mỹ đã sẵn sàng


Tháng 3-2013, công ty Raytheon của Mỹ cũng tuyên bố đã phát triển thành công một hệ thống phòng thủ tầm gần thế hệ mới nhất, lắp đặt trên nhiều loại tàu chiến, chuyên dùng để đánh chặn tên lửa chống hạm giai đoạn cuối, mục đích nhằm thẳng vào các loại tên lửa Nga và Trung Quốc.

Trong video mô phỏng, Raytheon đã chứng minh khả năng của hệ thống đánh chặn do họ nghiên cứu phát triển khi sử dụng chúng bắn hạ 8 quả tên lửa chống hạm YJ-82 của Trung Quốc, đang đồng loạt tấn công cụm tàu chiến của hải quân Mỹ.

Mỹ tăng cường khả năng “bóp chết” tên lửa chống hạm Trung Quốc ảnh 7
Quả tên lửa cuối cùng bị hệ thống phòng thủ tầm gần tiêu diệt


Video clip đã mô tả cảnh radar tàu chiến Mỹ phát hiện và khóa chết nhóm tên lửa này, sau đó đồng loạt phóng 8 quả tên lửa phòng không tiêu diệt đại bộ phận các tên lửa C-802, còn 1 quả sống sót tiếp tục làm mồi cho hệ thống phòng thủ tầm gần (CIWS) Phalanx.

Được biết, tên lửa C-802 là phiên bản xuất khẩu của loại tên lửa đối hạm thuộc thế hệ YJ-8 là YJ-82 (Ưng Kích-82). Loại tên lửa này có cả các biến thể chống hạm và đối đất, sử dụng trên cả máy bay và tàu chiến, nó cũng đã được Trung Quốc xuất khẩu sang một số nước, tiêu biểu là Iran với khoảng 150 quả.