Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông để đối phó với tham vọng của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước việc Trung Quốc ngày càng có thêm những hành động gây rối đơn phương trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền phi pháp, Mỹ đã tăng cường hiện diện trong khu vực cũng như đưa ra các tuyên bố mang tính cảnh báo.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trong lần tập trận ở Biển Đông

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trong lần tập trận ở Biển Đông

Gia tăng hoạt động trinh sát và tập trận

Kể từ năm 2009, Mỹ đã gia tăng đáng kể việc triển khai quân sự trên Biển Đông nhưng hoạt động này trong năm nay tăng mạnh. Theo thống kê của Tổ chức sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện nghiên cứu đại dương Đại học Bắc Kinh, các trinh sát cơ Mỹ đã thực hiện 94 lượt do thám tầm gần ở Biển Đông trong tháng 11, tần suất dày đặc chưa từng thấy. Con số này tăng gần 30% so với mức kỷ lục 75 chuyến được ghi nhận hồi tháng 2.

Cũng theo SCSPI, 80% hoạt động trinh sát trong tháng 11 có sự tham gia của máy bay tuần thám P-8A. Các máy bay khác tham gia nhiệm vụ là máy bay không người lái (UAV) MQ-4C và trinh sát cơ mặt đất E-8C. Thời điểm Mỹ thực hiện số chuyến bay do thám gần Trung Quốc cao nhất trong một ngày là 4-11, khi có tới 10 trinh sát cơ bay trên Biển Đông. Phạm vi trinh sát của máy bay Mỹ cũng mở rộng, có lúc chỉ cách đường cơ sở của Trung Quốc khoảng 15,91 hải lý (29,46km).

Tần suất cũng như quy mô hoạt động của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông cũng tăng lên. Theo thống kê, riêng trong năm nay, nhóm tàu sân bay Mỹ đi vào khu vực này là 9 lần. Mới tháng 10 vừa rồi, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ và tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã tiến hành nhiều cuộc tập trận trên Biển Đông. Ngoài Carl Vinson, ba nhóm tác chiến tàu sân bay khác là USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng hai tàu sân bay trực thăng USS Makin Island và USS Essex cũng thường xuyên xuất hiện trong vùng biển này.

Đi liền với triển khai hoạt động trên thực địa, Mỹ tỏ ra cứng rắn trong các tuyên bố. Mới ngày 2-12 vừa rồi, sau các cuộc đàm phán ở Thủ đô Washington D.C giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Tổng thư ký Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu Stefano Sannino, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung nêu rõ: “Mỹ và EU vô cùng lo ngại trước những hành động gây rối và đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, vốn là những hành động hủy hoại an ninh và ổn định trong khu vực, đồng thời tác động trực tiếp lên an ninh và thịnh vượng của cả Mỹ lẫn EU.

Trước đó hồi tháng 12-2021, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật Trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông (S.1657), trong đó áp lệnh cấm vận nhằm vào các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc tham gia hoạt động áp đặt tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại hai vùng biển này. Nếu được hai viện của Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật được kỳ vọng sẽ tăng sức ép, buộc Bắc Kinh kiềm chế hành vi phi pháp ở khu vực.

Trong một hành động khá cứng rắn khác, năm ngoái Mỹ tuyên bố trừng phạt 24 công ty và một số cá nhân của Trung Quốc có liên quan tới những hành động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa trên Biển Đông. Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, các công ty bị trừng phạt vì đã “đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng gây hấn những đảo nhân tạo này của Trung Quốc và họ phải chịu trách nhiệm”. Cùng với Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp các quy định hạn chế visa với một số cá nhân người Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc thông đồng” trong những hành động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông.

Tuyên bố phi lý và hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

Tất cả những động thái trên là dấu hiệu cho thấy Mỹ ngày càng lo ngại về sự gia tăng các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực xung quanh. Bất chấp yêu sách chủ quyền đơn phương bất hợp pháp “Đường chín đoạn” chiếm tới 80% diện tích Biển Đông đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ hồi năm 2016, Bắc Kinh vẫn tỏ ra hết sức ngang ngược.

Mới đây, trong thư gửi Bộ Ngoại giao Indonesia, Trung Quốc đã yêu cầu Indonesia ngừng hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển Natuna vì Bắc Kinh coi khu vực thăm dò này thuộc chủ quyền của mình. Theo ông Muhammad Farhan, thành viên Ủy ban an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Indonesia, bức thư của Bắc Kinh mang hơi hướng “đe dọa” vì đây là lần đầu tiên các nhà ngoại giao Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy cái gọi là “Đường chín đoạn” xâm phạm chủ quyền của Indonesia.

Natuna nằm ở vùng cực nam của Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bất chấp yêu cầu của Trung Quốc, Indonesia vẫn tiếp tục tiến hành khoan thăm dò dầu khí ở Natuna, dẫn tới đối đầu căng thẳng giữa tàu hải cảnh của Trung Quốc với tàu tuần duyên của Indonesia ở khu vực này.

Cùng với các tuyên bố yêu sách về chủ quyền, Trung Quốc triển khai các hoạt động răn đe, gây sức ép trên thực địa. Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch ít nhất 51 cuộc tập trận ở Biển Đông. Theo các thông báo được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), có 20 cuộc tập trận ở vịnh Bắc Bộ và ít nhất 1 cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 11 vừa rồi, hai cuộc tập trận có bắn đạn thật đã diễn ra ở Biển Đông.

Không những thế, tháng 8 vừa rồi, Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới, cho phép nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài. Nước này cũng áp dụng luật an toàn hàng hải mới, đòi tàu thuyền nước ngoài phải khai báo khi đi vào khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là “lãnh hải”. Giới quan sát cho rằng những hành động này của Trung Quốc đều tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, thậm chí có thể gây ra xung đột do tính toán sai lầm.

Để tránh bị lên án khi điều tàu đến vùng biển của nước khác gây rối, Trung Quốc đang tăng cường hoạt động của lực lượng dân quân biển - lực lượng bên ngoài thì có vẻ là tham gia các hoạt động đánh bắt cá thương mại nhưng thực chất là phục vụ các mục tiêu chính trị và quân sự của nước này. Ảnh vệ tinh do Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) công bố cuối tháng 10-12021 cho thấy ít nhất 150 tàu dân quân biển Trung Quốc đã bắt đầu quay lại tập trung trong khu vực cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, các tàu này neo đậu tại bãi Ba Đầu, trong phạm vi lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông khiến cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt. Các tàu này buộc phải phân tán sang các khu vực khác nhưng chưa bao giờ rời Trường Sa.

Rõ ràng, Trung Quốc đang có ý định kiểm soát tất cả hoạt động thời bình trong các khu vực của Biển Đông để đòi yêu sách chủ quyền và quyền lịch sử phi pháp của mình. Hành động này dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của các nước trong và ngoài khu vực.